Lãnh đạo TP Đà Nẵng đối thoại với hộ dân thuộc diện giải tỏa dự án khu ĐTST Hòa Xuân
(Cadn.com.vn) - Chiều 22-5, tại Hội trường UBND Q.Cẩm Lệ, đồng chí Văn Hữu Chiến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi đối thoại với các hộ dân thuộc diện giải tỏa Dự án Khu Đô thị Sinh thái Hòa Xuân (khu ĐTSTHX). Tham dự buổi đối thoại có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục 2 Thanh tra Chính phủ, Trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Đà Nẵng và UBND Q. Cẩm Lệ.
Đồng chí Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đối thoại với người dân có khiếu nại. |
Theo thanh tra TP Đà Nẵng, mặc dù UBND TP Đà Nẵng đã trực tiếp gửi giấy mời 3 lần đối với 68 hộ dân có khiếu nại về vấn đề giải tỏa đền bù tại khu vực Cồn Dầu và Trung Lương (P. Hòa Xuân) liên quan đến dự án khu ĐTSTHX nhưng chỉ có 17 hộ nhận giấy mời, 24 trường hợp có mặt tại nhà nhưng không nhận giấy mời và 27 trường hợp không có mặt tại nhà. Đúng 14 giờ 30, quá 30 phút so với thời gian đối thoại ghi trong giấy mời nhưng chỉ có 2 trường hợp đến tham gia đối thoại với lãnh đạo TP Đà Nẵng là hộ bà Huỳnh Thị Mười và ông Trần Tấn cùng trú khu vực Trung Lương (P. Hòa Xuân).
Trong số 2 trường hợp này, hộ ông Trần Tấn khiếu nại về việc UBND Q. Cẩm Lệ áp dụng biện pháp cưỡng chế kiểm định và yêu cầu đo đạc lại diện tích đất bị thu hồi là không đúng so với thực tế. Thêm nữa, ông Tấn cho rằng, trong số diện tích đất do ông bà để lại, ông có sở hữu 902m2 nhưng không biết đất này đã được chính quyền cấp cho ai. Về vấn đề này, theo đại diện Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Thanh tra TP Đà Nẵng, trong suốt quá trình triển khai Dự án Khu ĐTSTHX từ năm 2008 đến năm 2014, gia đình ông Trần Tấn là hộ duy nhất của khu vực Trung Lương không chấp hành chủ trương cho kiểm định nhà và tài sản gắn liền với đất. Chính vì điều này nên chính quyền đã áp dụng các trình tự thủ tục theo quy định để tiến hành cưỡng chế, kiểm định. Về việc ông Tấn cho rằng đất thực tế của ông đo đạt không đúng là không có cơ sở, bởi phần diện tích này đã được thể hiện trong Chứng nhận quyền sử dụng đất. Riêng diện tích 902m2 theo ông Tấn là không biết chuyển nhượng cho ai, Phòng TN-MT Q. Cẩm Lệ đã chứng minh được diện tích này đã được cấp cho ông Trần Dưỡng là bà con với gia đình ông Tấn. Về trường hợp ông Tấn, đồng chí Văn Hữu Chiến kết luận, UBND Q. Cẩm Lệ cưỡng chế kiểm định là đúng trình tự, đúng pháp lý. Yêu cầu trong ngày 23-5, HĐGPMB Q. Cẩm Lệ khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phúc tra lại diện tích đất sở hữu trong diện giải tỏa của gia đình ông Tấn. Riêng diện tích 902m2 đất ông Tấn cho rằng không biết đã cấp cho ai, đề nghị Sở TN-MT TP Đà Nẵng kiểm tra lại toàn bộ thủ tục hồ sơ pháp lý và trả lời cho công dân trước ngày 30-5.
Hộ bà Huỳnh Thị Mười trình bày kiến nghị với TP Đà Nẵng. |
Trường hợp bà Huỳnh Thị Mười khiếu nại, đề nghị TP Đà Nẵng đền bù diện tích hơn 19.000m2 đất nuôi tôm đã bị giải tỏa. Theo bà Mười, năm 2002, gia đình có canh tác diện tích hơn 26.000m2 mặt nước để nuôi tôm. Năm 2003, TP Đà Nẵng tiến hành giải tỏa đền bù toàn bộ diện tích nuôi tôm với mức tiền 519 triệu đồng. Sau khi diện tích thu hồi thi công hút cát san lấp mặt bằng được giao cho địa phương quản lý, gia đình bà Mười có đơn xin canh tác và được UBND H. Hòa Vang cấp Giấy chứng nhận trang trại với diện tích hơn 19.000m2. Quá trình sử dụng, bà Mười có đầu tư, khai thác và mở rộng thêm diện tích nuôi trồng. Trong quá trình triển khai dự án Khu ĐTSTHX, diện tích nuôi tôm của bà Mười tiếp tục nằm trong diện giải tỏa. Quan điểm của HĐGPMB Q. Cẩm Lệ là không đồng ý bồi thường cho bà Mười, bởi trước đó diện tích này đã được bồi thường một lần. Tuy nhiên, bà Mười cho rằng quá trình sử dụng đã có sự đầu tư lớn, được chính quyền cấp Giấy chứng nhận trang trại, hiện làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều nên đề nghị thành phố xem xét, hỗ trợ thỏa đáng. Nguyện vọng là xin được UBND TP Đà Nẵng cho mua một lô đất theo giá ưu đãi của Nhà nước.
Qua phân tích, làm rõ cơ sở pháp lý, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định, việc chính quyền UBND H. Hòa Vang thời điểm đó cấp Giấy chứng nhận trang trại cho gia đình bà Mười là chưa đúng, thiếu cân nhắc. Hiện nay việc đền bù cho diện tích 19.000m2 đất nuôi tôm của bà Mười là không có cơ sở. Tuy nhiên, xét thấy việc gia đình bà Mười có đầu tư nuôi trồng thủy sản và làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều, vậy nên UBND TP Đà Nẵng quyết định hỗ trợ cho gia đình bà Mười thêm 100 triệu đồng để sớm ổn định cuộc sống. Với 66 trường hợp các hộ dân khu vực Cồn Dầu có kiến nghị, khiếu nại về đất đai nhưng khi mời lên đối thoại lại vắng mặt, đồng chí Chủ tịch UBND TP cho rằng đây là thái độ thiếu thiện chí. Quan điểm của thành phố Đà Nẵng là tiếp tục đối thoại cởi mở, thẳng thắn để làm rõ mọi vấn đề trước khi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất theo quy định pháp luật. Đồng chí đề nghị UBND Q. Cẩm Lệ tiếp tục tổ chức vận động, giải thích để các hộ dân chấp hành chủ trương giải tỏa và đến ngày 20-6, các hộ dân phải bàn giao mặt bằng, nếu không chính quyền sẽ áp dụng các trình tự thủ tục thu hồi đất theo quy định.
Bài, ảnh: Nguyên Thảo