Lao động Hà Tĩnh- Quảng Bình tử vong tại Đài Loan: Nỗi đau nơi quê nhà
2 giờ 10 ngày 14-12, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại ký túc xá lao động nước ngoài của Công ty Tịch Ca (TP Đào Viên, Đài Loan) chuyên sản xuất phim cách nhiệt ô-tô, màng an toàn chống xước, nổ cho màn hình LCD, khiến 6 lao động Việt tử vong.
Bà Mai Thị Hương kiệt sức sau khi hay tin con trai Trần Hồng Thủy tử vong. |
Sáng 15- 12, thôn Quý Hòa, xã Cẩm Hòa, H. Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đau trong nỗi đau của gia đình bà Mai Thị Hương (1965), mẹ của nạn nhân Trần Hồng Thủy (1993). Ai cũng xót xa nghẹn ngào: “Thằng Thủy nó hiền lành, chịu khó lắm, ông trời sao nỡ bất công”.
Trong căn nhà cấp 4 đang tu sửa, anh Trần Hồng Thắng (anh trai Thủy) cho hay: “Sáng ngày 14- 12, tôi nghe bạn ở Đài Loan gọi về báo tin em trai tử nạn trong vụ cháy mà như chết lặng. Thương nó quá!, mới hôm qua, hai anh em còn trò chuyện cùng nhau qua điện thoại, Thủy còn bảo bên ni lạnh lắm, tôi có nói đợi ít ngày nữa có người qua bên đó rồi anh gửi áo ấm sang cho. Vậy mà…”. Thủy là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em trai. Sau khi học xong THPT, Thủy đi bộ đội. Ngày nó xuất ngũ, do điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, bố là bộ đội về hưu, mẹ thì buôn bán lặt vặt ở nhà nên Thủy quyết định sang Đài Loan làm việc. Tháng 2- 2016, Thủy chính thức sang mưu sinh nơi xứ người, kể từ đó đến nay đã gần 2 năm, Thủy chưa một lần về thăm nhà.
Kiệt sức vì khóc thương con, bà Mai Thị Hương thổn thức: “Về với mẹ Thủy ơi, răng con bỏ cha mẹ, anh em mà ra đi thế Thuỷ ơi…!”. Nỗi đau quá lớn khiến bà không còn chút sức lực, từ hôm nghe tin dữ tới giờ bà Hương ngất lên ngất xuống, ăn uống cũng bỏ bê. Bà con chòm xóm phải túc trực để động viên bà Hương vượt qua nỗi đau này.
“Do nhà đang tu sửa lại nên mai này khi đưa cháu Thủy về cũng chưa biết đặt bàn thờ ở đâu. Nghe tin nó tử nạn, từ hôm qua đến giờ, bà con hàng xóm đã đến giúp gia đình cháu san tạm mặt bằng để có chỗ đưa Thủy về”, bà Ngân (dì ruột của Thủy) nói.
Ông Trần Đình Cúc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa cho biết: “Gia cảnh nhà anh Thủy rất vất vả, nhà cửa chật chội mới sửa được mấy hôm thì con gặp nạn. Sau khi nghe tin, Đảng ủy, chính quyền xã đã trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên gia đình”.
Một lao động khác người Hà Tĩnh tử vong là anh Phùng Nam Tuẩn (1985, trú thôn Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc, H.Kỳ Anh). Ngồi thất thần giữa căn nhà cấp 4 trống vắng, ông Phùng Nam Tần (1958, bố anh Tuẩn) kể lại: “Vào khoảng 11 giờ trưa ngày 14- 12, ông nhận điện thoại của con gái là Phùng Thị Hiền (1995) đang làm việc bên Đài Loan báo tin là thằng Tuẩn bị tử vong trong đám cháy. Nghe con gái nói mà tui bủn rủn hết chân tay”. Gạt nước mắt, ông Tần cho biết, Tuẩn là anh cả của 3 đứa em. Năm 2014, sau khi cưới vợ được 4 năm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tuẩn để lại vợ con ở quê nhà đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Đầu năm 2017, con gái út là Phùng Thị Hiền cũng làm thủ tục sang Đài Loan. Do ở quê không có công ăn việc làm nên đầu tháng 12 này chị Nguyễn Thị Hương (vợ Tuẩn) đã gửi lại 2 đứa con cho ông bà nội chăm sóc sang Đài Loan làm việc với chồng. “Vợ Tuẩn qua được 2 ngày nhưng chưa kịp gặp mặt chồng thì hay tin chồng tử nạn, thật tội nghiệp con trai, con dâu tôi”- ông Tần nói trong nước mắt.
Ông Phùng Nam Tần cùng 2 cháu nội - con anh Tuẩn. |
Nghe tin con trai gặp nạn, bà Nguyễn Thị Hường (1964) ngất lên ngất xuống, bà dường như không tin vào những lời con gái gọi điện thoại về. Ôm hai đứa cháu nội- con của Tuẩn vào lòng, bà Hường khóc nức: “Hai cháu còn quá nhỏ Tuẩn ơi. Chúng sẽ lớn lên như thế nào khi thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cha đây”. Trong vòng tay của bà nội, cháu Phùng Phúc Phương (7 tuổi) và Phùng Đăng Khoa (2 tuổi) ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhìn hai đứa con của vợ chồng anh Tuẩn mà hàng xóm của anh không cầm được nước mắt.
Ông Nguyễn Thái Toàn, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết, vợ chồng anh Tuẩn thuộc diện hộ cận nghèo của xã, còn gia cảnh của bố mẹ anh cũng rất khó khăn.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình nạn nhân Nguyễn Trọng Nghĩa (1996, tại tiểu khu 8, thị trấn Hoàn Lão, H.Bố Trạch, Quảng Bình) nằm ngay cạnh QL1A. Từ khi nhận được hung tin Nghĩa tử nạn trong đám cháy, người thân, hàng xóm tạm gác lại mọi công việc để đến nhà bố mẹ Nghĩa động viên, chia buồn cùng gia đình.
Đau trong nỗi đau mất đi đứa con trai bé bỏng, bà Trần Thị Tuyết (1964) ngã khụy, khóc ngất lên ngất xuống. Nằm trước bàn thờ lập vội của đứa con trai xấu số, bà nghẹn ngào gọi con trong vô vọng: “Khi đi con lành lặn, sao giờ lại ra nông nỗi này, mẹ biết phải sống thế nào đây, đau đớn quá con ơi”. Trước hiên nhà, bố Nghĩa là ông Nguyễn Văn Hoàng (1961) cũng vật vã khóc con khản tiếng: “9 giờ đêm hôm trước khi bị nạn, tôi còn nhận được điện thoại của nó gọi về bảo rằng đợt này gửi về 10 triệu cho ba mẹ trang trải cuộc sống. Còn nó giữ lại 20 triệu để lo việc gia hạn hợp đồng thêm mấy năm nữa, chịu khó thêm mấy năm để lo cho em trai ăn học và kiếm chút vốn rồi sau về quê làm ăn. Ra Tết nếu có điều kiện nó sẽ về thăm nhà. Hứa với ba rồi sao lại để ba chờ, con ơi con…”.
Nghĩa là con thứ 4 trong nhà, trước Nghĩa có 3 chị gái đã lập gia đình, sau có một đứa em trai đang học lớp 11. Năm 2014, Nghĩa học xong cấp 3, vì hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng ông Hoàng không có điều kiện cho em đi học. Ông bà đã vay mượn 170 triệu đồng cho em xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Vì làm ở đó việc lúc nhiều lúc ít, mỗi tháng cũng chỉ được 10 đến 12 triệu, nên hơn 2 năm qua, Nghĩa đã cố gắng tiết kiệm để gửi về cho ba mẹ trả nợ. “Biết ba mẹ hay đau ốm nên lần nào gọi về nó cũng bảo nghỉ ngơi chứ đừng làm ruộng nữa, từ nay để nó lo, cứ nghĩ đến tôi lại đau như cắt từng khúc ruột”, ông Hoàng nói thêm.
Vợ chồng ông Hoàng đều là nông dân, hiện cả nhà chỉ sống dựa vào 3 sào ruộng. Mấy năm nay, cả hai ông bà đều hay đau ốm nên không làm được việc nặng, mọi chi tiêu trong nhà đều dựa vào Nghĩa. Hiện ông Hoàng đang làm hộ chiếu và các thủ tục để sang Đài Loan xác thực ADN và đưa thi thể Nghĩa về với gia đình. Tâm nguyện của cả gia đình hiện cũng chỉ trông mong được cơ quan chức năng và cộng đồng người Việt Nam tại Đài Loan giúp đỡ để sớm đưa thi thể Nghĩa về với quê hương.
X.S- DN