Lao động Hội An tha phương vì dịch

Thứ bảy, 27/02/2021 20:20

Hội An (Quảng Nam ) trong quá khứ đã chứng kiến nhiều sự dịch chuyển nhưng Covid-19 đã giáng một đòn "chí mạng" không chỉ với kinh tế mà còn là các giá trị phố cổ đã được giữ gìn tiếp nối hàng trăm năm qua.

Phố cổ Hội An vắng lặng những ngày sau Tết. 

Ra đi vì miếng cơm manh áo

Di sản phố cổ Hội An là "một thực thể sống" với hai mặt giá trị cụ thể. Một bên là những giá trị văn hóa bề nổi đang được bổ sung, thay đổi thường xuyên nhằm đáp ứng với nhu cầu cần có của một thành phố du lịch. Một bên là cuộc sống thực của người dân phố Hội ngay trong lòng di sản. Vì vậy mỗi một người có mặt, sinh sống, làm việc tại phố cổ đều là một phần tạo nên Hội An. Thế nhưng Covid19 đang chứng kiến một sự dịch chuyển lao động, những mảnh nhỏ văn hóa của Hội An đang tách rời "thực thể sống ấy". Họ đi tìm kế sinh nhai, điều ấy là hiển nhiên nhưng trên đường ra đi ấy ngày trở về còn quá xa xăm.

Đợt dịch thứ 3 bùng phát đã dập tắt hy vọng về sự phục hồi du lịch trong năm nay. Qua một năm cầm cự, chờ đợi Tết này nhiều lao động Hội An đã không còn trụ vững, họ bắt buộc phải tìm kế sinh nhai ở nơi khác, dù rất khó khăn.

Những ngày này đi dọc các tuyến đường từ Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình (Quảng Nam) thấy những xe bánh mì đề biển "Bánh mì Hội An" mọc lên tấp nập. Hỏi ra mới biết những xe bánh mì này từng là "cư dân phố cổ", từng là đặc sản của Hội An một thời nhưng không còn khách, đặc sản Hội An cũng phải chấp nhận cảnh bán tràn lan.

Nhiều cơ sở kinh doanh trong phố cổ phải xả hàng để trả mặt bằng. 

Chị Thúy (quê xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên) cho biết chị từng là nhân viên của bánh mỳ Phượng nức tiếng tại Hội An. Nhưng rồi khách vắng dần, chị và một số người khác nằm trong diện "cắt giảm nhân sự". "Lúc đầu tôi còn lạc quan lắm nghĩ rằng không làm việc này thì làm việc khác. Tôi ra phố cổ cho thuê xe đạp. Lúc ấy Covid chưa bùng đợt thứ 2 nên thu nhập cũng tạm ổn với lượng khách trong nước đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Được đâu hai tháng thì Hội An có dịch, vậy là đóng cửa đến bây giờ", chị Thúy buồn bã. Từ trước Tết, khi đợt dịch thứ 3 bùng phát tại Hải Dương, thấy tình hình không ổn chị Thúy quyết định mang cái nghề mình học được đi tìm kế sinh nhai. Vậy là chị mang kinh nghiệm khi còn làm cho bánh mỳ Phượng lên Duy Xuyên tìm chỗ đậu xe bán bánh mỳ. "Một ổ bánh mỳ Hội An giá 15-20 nghìn là chuyện bình thường nhưng khi đi nơi khác thì phải chấp nhận mức giá thấp vì bánh mỳ ở những vùng lân cận chỉ 10 nghìn ổ đã là cao. Dù giá thấp nhưng tôi vẫn phải xuống Hội An lấy bánh và đảm bảo các nguyên liệu ngon như ở Hội An thì mới cạnh tranh lại với người ta. Mình bắt đầu lại từ đầu thì vậy thôi, chỉ mong ngày bán được ít ổ bánh mỳ chứ không dám mơ xa", chị Thúy cho hay.

Từ TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Phi (1991) chia sẻ đây là năm đầu tiên anh ăn Tết xa quê vì dịch bệnh. "Học du lịch và kiếm được một công việc ổn định tại Hội An, đáng lý năm 2020 tôi được cất nhắc lên vị trí trưởng bộ phận. Thế nhưng Covid-19 dập tan hết. Khách sạn đóng cửa, khách du lịch thì không biết bao giờ mới phục hồi, tôi đành chấp nhận tìm công việc mới", anh Phi buồn rầu. Theo anh Phi, khó khăn nhất không phải là những người "ở lại" mà chính là người "ra đi". "Lao động phổ thông thì còn đỡ vì họ làm công việc tay chân quen rồi, họ có thể bươn chải bằng nhiều nghề. Còn mình ăn học ra phải kiếm cách để được làm nghề. Rất may là lần bùng dịch thứ 3 này TP Hồ Chí Minh chống đỡ kịp và tình hình tạm ổn. Tôi và gia đình cũng xác định sẽ bám trụ lại đây để kiếm việc vì dù sao ở đây cũng không phụ thuộc quá nhiều vào lượng khách quốc tế như Hội An", anh Phi cho biết.

Khó khăn của anh Phi, chị Thúy cũng là khó khăn chung của lao động Hội An hiện nay. Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: "Ở Hội An, 90% nhà hàng, quầy lưu niệm phải đóng cửa và nhiều khách sạn không hoạt động vì vắng khách. Trước thực tế nhiều chủ cơ sở kinh doanh phải thuê mặt bằng nhưng buôn bán ế ẩm, Hiệp hội đã đề xuất việc giảm hoặc miễn chi phí thuê mặt bằng nhằm san sẻ khó khăn mà họ đang phải gồng gánh".

Chị Thúy cho biết phải chấp nhận đi xa để duy trì nghề bán bánh mì.

Nỗ lực giữ chân người lao động

Cầm cự hoạt động, luân phiên cho công nhân nghỉ, tạm ứng kinh phí cho lao động chờ bão dịch đi qua... là những biện pháp mà các doanh nghiệp đã và đang áp dụng để giữ chân người lao động. Sau một thời gian cầm cự, năm nay tình trạng lao động ồ ạt đi nơi khác khiến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu.

Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, sau đợt dịch thứ 2 của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn; hơn 25.000 công nhân phải nghỉ việc hoặc nghỉ luân phiên. Nguyên nhân do thiếu nguyên liệu sản xuất và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm giải pháp tiếp cận thị trường để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Dù tình hình diễn biến phức tạp nhưng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực tổ chức được 2 phiên giao dịch việc làm cho người lao động. Theo đó, đã kết nối được hàng ngàn việc làm cho người lao động với các công ty, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong 2 phiên giao dịch đã có 22 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 8.560 chỗ làm trống. Các phiên giao dịch thu hút được hơn 200 lao động đến tìm hiểu thông tin và đăng ký tại sàn. Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam cho biết: "Để tạo thuận lợi cho lao động hoàn thiện các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam đã đến tận các cơ sở hỗ trợ cho người lao động. Không chỉ vào dịp cuối năm, mà ngay từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam đã xuống hơn 10 cơ sở trên địa bàn để hỗ trợ hồ sơ giải quyết cho người lao động ngưng việc, nghỉ việc hoặc hưởng trợ cấp thất nghiệp với hơn 3.000 lượt người. Ngoài hướng dẫn lao động hoàn thiện thủ tục nghỉ việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam còn giới thiệu việc làm mới đến các lao động này".

HÀ DUNG