Lão ngư khai phá Cù lao Tú Phong

Thứ ba, 16/10/2018 18:00

Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng vợ chồng ông Huỳnh Minh Hòa  và bà Mai Thị Nương (trú xã Tam Tiến, H. Núi Thành, Quảng Nam) vẫn miệt mài lao động, duy trì diện tích ao nuôi tôm, cá rộng hơn 1 ha ở cù lao Tú Phong (xã Tam Tiến). Đây là trang trại thủy sản được vợ chồng ông cất công gầy dựng từ hai bàn tay trắng gần 30 năm qua, mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Vợ chồng ông Hòa kể chuyện làm kinh tế gia đình.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến Nguyễn Xuân Uy phấn khởi kể với chúng tôi rằng: "Ở địa phương có nhiều cá nhân thành công với mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó trang trại nuôi tôm của vợ chồng ông Huỳnh Minh Hòa rất hiệu quả, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy đã có tuổi nhưng vợ chồng ông Hòa vẫn chăm chỉ lao động, gắn bó với ốc đảo Tú Phong nằm cách đất liền gần 300m suốt mấy chục năm qua. Thấy mô hình nuôi tôm của ông Hòa hiệu quả, nhiều người tìm đến học hỏi, đào ao nuôi tôm, cá trên cù lao. Đến nay cù lao Tú Phong đã có gần 70 hộ tham gia nuôi tôm, cá mỗi năm thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Với những thành công đó, hơn 10 năm qua ông Hòa liên tiếp được nhận nhiều giấy khen, bằng khen "Nông dân làm kinh tế giỏi", "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi" của huyện và tỉnh".

Trang trại của ông Hòa được nhiều bạn trẻ đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Chúng tôi được ông Hòa chèo thuyền đưa đi tham quan ốc đảo Tú Phong rộng hơn 70ha: "Hiện nay trên ốc đảo này có gần 70 hộ tham gia nuôi tôm chân trắng, cá đạt hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, cù lao Tú Phong cũng đã tiếp đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan phong cảnh và các trang trại thủy sản nơi đây"-ông Hòa cho biết. Ông Hòa tâm sự: Ấp ủ mộng nuôi tôm từ rất lâu, đến năm 1992 vợ chồng tôi quyết định gửi con cho bà nội trông coi để sang cù lao Tú Phong lập nghiệp. Tôi chọn cù lao này để nuôi tôm vì nơi đây có địa hình bằng phẳng thuận lợi để đào ao, đồng thời nằm giữa con sông Trường Giang nên chủ động về nguồn nước. Bao nhiêu vốn liếng tích góp tôi dùng mua đất, thuê nhân công trồng dừa, đắp bờ chắn sóng biển, đào 6 ao 1ha để nuôi tôm quảng canh. Sau đó tôi đi nhiều nơi học hỏi cách nuôi tôm, kết hợp vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm nên nắm được nhiều kỹ thuật chuyên môn, hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh ở tôm. Lúc mới đến, vợ chồng tôi dựng tạm căn nhà lá che mưa nắng. Nguồn nước sinh hoạt được lấy từ đất liền, tối đến thì thắp ngọn đèn dầu, cuộc sống rất vất vả. Khó khăn chồng chất nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm bám trụ hòn đảo nhỏ này để làm kinh tế, ước muốn làm giàu bằng chính đôi tay của mình. Những vụ đầu vợ chồng tôi nuôi tôm rất thành công. Có thêm nguồn kinh phí tôi tiếp tục đầu tư, sửa sang nâng cấp ao nuôi, đầu tư thêm vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc nuôi tôm chân trắng.  Nhận thấy muốn phát triển ổn định nghề nuôi tôm rất cần nguồn điện thắp sáng, xây dựng hệ thống tạo khí cho tôm. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Sở Điện lực Quảng Nam, đầu năm 2001 tôi chủ động đầu tư 200 triệu đồng để kéo hệ thống điện về đảo để thắp sáng. Có được nguồn điện, tôi tiếp tục mở rộng thêm 1ha ao nuôi tôm. Vào thời điểm đó, trừ chi phí thức ăn cho tôm, thuê nhân công... mỗi năm 2 vợ chồng tôi còn lãi hơn 400 triệu đồng. Tiếp tục cải tiến cách thức nuôi tôm, nâng cấp nhiều ao nuôi phủ bạt thu được hiệu quả rất cao. Để hạn chế rủi ro, tôi còn chuyển đổi nuôi thêm các loại cá măng, cá vượt... cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao"-ông Hòa chia sẻ.

Mặc dù công việc vất vả nhưng ông Hòa còn đảm nhiệm nhiều công việc trong Ban Nhân dân thôn Tú Phong như Chi hội trưởng Hội khuyến học, Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ. Hơn 10 năm qua trên địa bàn thôn không có trường hợp học sinh bỏ học, nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, có công việc ổn định cũng nhờ công sức vận động, giúp đỡ các cháu gia đình khó khăn. Ngoài ra, ông còn tổ chức lập quỹ chăm sóc người cao tuổi cũng thu được nhiều kết quả thiết thực...

LÊ VƯƠNG