Lật lại hồ sơ truy nã (3)
* Bài cuối: Những cuộc đấu trí căng thẳng
(Cadn.com.vn) - Nhiều tội phạm bị truy nã nguy hiểm khi trốn chạy luôn tạo vỏ bọc kín kẽ, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, điều đó đòi hỏi TS ngoài lòng quả cảm phải mưu trí, “đọc” tình huống nhanh chóng.
Bắt con, lòi ra cha
Trong giới đòi nợ thuê ở Bình Định thì Nguyễn Thành Tân (1990, trú P. Ngô Mây, TP Quy Nhơn) là tay côn đồ có tiếng. Năm 2009, Tân phạm tội “Cố ý gây thương tích”, bị tuyên án tù. Sau khi ra tù vào năm 2013, Tân lại tập hợp “chiến hữu” tiếp tục hành nghề đòi nợ thuê. Cuối năm 2014, Tân được một đối tượng đòi nợ thuê khác ở An Khê (Gia Lai) là Lê Minh Hải (1989) đặt vấn đề cùng phối hợp đòi nợ Huỳnh Ngọc Trọng (1993, trú Tuy Phước, Bình Định) theo đơn của “khách hàng” ở An Khê. Khi Hải từ An Khê xuống Quy Nhơn đã kết hợp cùng Tân “điệu” Huỳnh Ngọc Trọng đến một quán nhậu để đòi nợ. Trong lúc thị uy để đòi nợ, Tân đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” với Trọng, sau đó bỏ trốn. Bản thân Hải tiếp tục bắt Trọng lên An Khê để hành hạ, đòi tiền. Tân bị truy nã về tội “Cố ý gây thương tích”, còn Hải bị truy nã về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
Đại úy Lê Hồng Phúc - Đội phó Đội 3 Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm (CSTNTP) CA tỉnh Bình Định kể, quá trình bắt Hải không khó khăn vì đối tượng vẫn tiếp tục hành nghề đòi nợ thuê ở An Khê. Khi tổ TS lên An Khê thì phát hiện Hải cùng nhóm thanh niên mang hung khí tới H. Kbang đánh nhau với một nhóm thanh niên khác. Tức tốc tổ TS tới Kbang thì 2 nhóm thanh niên đã hỗn chiến xong, nhóm của Hải đã di chuyển về Bệnh viện An Khê điều trị. Lập tức tổ TS vây ráp, bắt Hải tại bệnh viện trong lúc đối tượng đang bị thương nên không thể chống cự. Tuy vậy, Đại úy Phúc cho biết hành trình bắt Tân mới thực sự gian nan.
Sau khi gây án, Tân trốn biệt tích, tổ TS xác lập các mối quan hệ của Tân thì nhận thấy rất phức tạp. Nổi lên trong số đó là V. làm nghề tiếp thị ở quán nhậu, có thời gian là bồ của Tân từng được đối tượng dẫn về nhà. V. quê ở miền Tây nên các TS phải vào tận nơi xác minh, nhưng nhận kết quả Tân ở miền Tây trong thời gian rất ngắn rồi đi đâu không rõ. Tiếp tục xác minh qua một mối quan hệ khác với Tân là H., cũng làm nghề đòi nợ thuê ở Hoài Nhơn (Bình Định). Từ H., tổ TS lại lần ra đối tượng có biệt danh “Zum” ở Quảng Ngãi, người có thời gian ở chung trại giam với Tân và rất thân thiết. Xác minh “Zum” ở Quảng Ngãi, các TS thu thập được thông tin có một thanh niên lạ trú ngụ trong nhà của “Zum”, thường xuyên đi đòi nợ thuê giúp “Zum”. Từ đây, các TS đặt nghi vấn nhiều khả năng thanh niên này chính là Tân nên một mặt tiếp tục theo dõi, mặt khác lên phương án truy bắt. Xác định Tân là đối tượng côn đồ hung hãn, thường xuyên mang theo hung khí bên mình nên phương án bắt giữ phải thực sự chi tiết, an toàn. Đại úy Lê Hồng Phúc cho biết: sau khi nghiên cứu kỹ đặc điểm, thấy thời điểm nhá nhem tối, khi Tân trở về phòng là lúc đối tượng mất cảnh giác nhất nên các TS bố trí sẵn, bất ngờ ập vào bắt giữ, thu được con dao, vật bất ly thân của Tân.
Bố con Lộc và Tân bị bắt giữ. |
Đáng nói hơn sau khi bắt được Tân, mở rộng đấu tranh, các TS phát hiện được thông tin quan trọng về Nguyễn Phước Lộc (1968, bố ruột của Tân), cũng là đối tượng trốn truy nã suốt 15 năm qua với tội “Trộm cắp tài sản” mà chưa bắt được. Cụ thể, sau khi gây án và trốn khỏi Bình Định, Lộc phiêu dạt nhiều nơi trước khi trú chân ở TT Vạn Dã, H. Vạn Ninh (Khánh Hòa) làm nghề thợ hồ. Ở Vạn Ninh, để tạo vỏ bọc cho mình nhằm tránh sự truy tìm của lực lượng CA, Lộc đã đổi tên thành Nguyễn Hùng. Cũng tại đây, Lộc lần lượt lấy thêm 2 đời vợ nữa để làm điểm tựa. Đại úy Phúc nói, dẫu biết Lộc đang ở Vạn Ninh, nhưng vì đối tượng đã đổi tên nên việc xác minh tốn nhiều thời gian vẫn không có kết quả. Khi nghiên cứu lại đặc điểm về đối tượng, TS phát hiện Lộc có đặc tính hay nói “tía lia”. Từ đó, tất cả những người Bình Định vào Vạn Ninh sinh sống, lập nghiệp đều được đưa vào “tầm ngắm”, đặc biệt đối tượng trung niên có đặc điểm hay nói “tía lia”. Bằng cách đó, phải mất gần 1 tuần các TS mới nắm được chính xác nơi trú ngụ của Lộc và tiến hành bắt giữ.
Tại chồng quá ghen
Trong quá trình truy bắt đối tượng truy nã, việc nghiên cứu đặc tính của đối tượng đóng vai trò quan trọng. Đại úy Lê Hồng Phúc kể rằng, nếu không nắm rõ đặc tính hay ghen của chồng đối tượng Trần Thị Thu Hà (1978, trú P. Hải Cảng, TP Quy Nhơn) thì không thể bắt được Hà. Tháng 4-2015, Hà bị truy nã về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Hà đã kéo chồng vào TPHCM làm ăn, đồng thời cũng là để trốn chạy. Nhưng được một thời gian ngắn thì người chồng bỏ về Bình Định. Nhanh chóng, các TS đã tiếp cận người chồng sau khi đã nghiên cứu kỹ vợ chồng Hà từng có nhiều lần mâu thuẫn chỉ vì chuyện ghen tuông. Quả thực, lần này người chồng chia tay Hà về Bình Định cũng vì phát hiện Hà có quan hệ tình cảm với một người đàn ông khác. Nắm “thóp” của người chồng, TS đã khéo léo khai thác, đánh vào tâm lý để người này “giãi bày” tất cả.
Đối tượng lừa đảo Trần Thị Thu Hà. |
Theo đó, TS nắm được Hà đang ở một chung cư tại Q.8, TPHCM. Tuy vậy, khi TS vào Q.8 thì có quá nhiều khu chung cư, mỗi khu có 4-5 block nhà, không biết tìm đối tượng từ đâu. Đã thế, Hà là đối tượng rất ma mãnh, đã dùng CMND giả với tên là Lan để đăng ký tại chung cư, bản thân Hà làm giúp việc nhà nên cũng di chuyển liên tục. Trước thực trạng đó buộc các TS phải rà soát từng chung cư một, sàng lọc danh sách từng hộ dân, cuối cùng phát hiện ra một hộ đăng ký tên Lan, ảnh trong CMND pho to không phải Hà, song có duy nhất một thông tin trùng với Hà, đó là quê P. Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Dù là một manh mối nhỏ vẫn không thể bỏ qua. Để xác minh Lan có phải Hà hay không, tổ TS đã phải tìm cách thâm nhập. Hôm đó, toàn chung cư bất ngờ “mất điện” nên nhanh chóng các “thợ điện” được gọi đến “khắc phục sự cố”, trong đó căn hộ của Lan được “thợ điện” kiểm tra hệ thống dây khá kỹ. Quả nhiên, khi vào phòng đăng ký tên Lan thì “thợ điện” đã xác định được Lan chính là Hà. Lập tức TS tra còng bắt Hà di lý về Bình Định.
Khi trốn truy nã, các đối tượng luôn tìm đủ mọi cách để ẩn mình, ngụy trang bằng những vỏ bọc kín kẽ. Nhiều đối tượng trốn 20 năm, 30 năm cứ nghĩ đã thoát, nhưng chúng không thể ngờ dù có trốn tránh tinh vi đến đâu thì sớm hay muộn cũng phải đền tội cho những lỗi lầm mình gây ra. Hành trình đưa những đối tượng tội phạm ra ánh sáng của các TS truy nã âm thầm, bền bỉ, luôn đòi hỏi lòng quả cảm và mưu trí.
Thành Nam