Lật lại vụ ám sát Thủ tướng Yitzhak Rabin
(Cadn.com.vn) - Cách đây 20 năm, vào ngày 4-11, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin bị sát hại, đánh dấu một trong những vụ giết người mang động cơ chính trị thành công nhất thế kỷ XX. Sát thủ Yigal Amir muốn “tiêu diệt” Hiệp định hòa bình Oslo giữa Israel và Palestine bằng cách bắn chết nhà lãnh đạo Israel duy nhất muốn hòa bình trở thành hiện thực.
Amir muốn ngăn chặn việc Tel Aviv nhượng đất ở khu Bờ Tây chiếm đóng cho Palestine. Y cho rằng, vùng đất này là món quà Chúa đã ban cho người dân Do Thái và không bao giờ có thể được giao cho người khác. Y đã đạt được mục tiêu. Amir, một người Do Thái và là sinh viên luật, cho rằng, bản thân đã có “chiến thắng lịch sử”. Khi bị buộc tội giết người, Amir vui vẻ thừa nhận.
Người dân Israel luôn tưởng nhớ cựu Thủ tướng Rabin. Ảnh: BBC |
Bầu không khí hỗn loạn
Bầu không khí ở Israel và các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trong những tháng trước vụ ám sát ông Rabin rất hỗn loạn - sự kết hợp niềm hy vọng của những người ủng hộ hòa bình ở cả hai nước, nỗi sợ hãi của phe cánh hữu Israel và phong trào Hamas của Palestine.
Những kẻ phản đối thỏa thuận hòa bình treo poster của ông Rabin khắp Tây Jerusalem. Trong một số áp phích, người biểu tình miêu tả ông như một nhân vật Đức Quốc xã. Ông Benjamin Netanyahu - lãnh đạo của phe đối lập vào thời điểm đó và hiện là Thủ tướng Israel – dùng những lời lẽ cay độc nhất chống ông Rabin trong các cuộc biểu tình. Trong khi đó, tại Palestine, phong trào Hồi giáo Hamas bắt đầu chiến dịch đánh bom tự sát. Họ không muốn Hiệp định hòa bình Oslo được ký kết, cho rằng đó là sự đầu hàng và sẽ không có sự nhượng bộ lãnh thổ đối với một nhà nước Israel mà họ cho là không nên tồn tại.
Ông Rabin là nhân vật quan trọng ủng hộ hòa bình Israel – Palestine. Ông là người mà nhân dân Israel tin cậy nhất, có thể đảm bảo an ninh cho họ. Năm 1967, với vai trò là tham mưu trưởng, tướng cao cấp nhất của Israel, ông lãnh đạo lực lượng vũ trang giành chiến thắng quyết định trước các kẻ thù Arab. Trong 6 ngày, Israel phá hủy các lực lượng vũ trang của Jordan, Ai Cập và Syria. Sau đó, cũng giống như nhiều tướng Israel, ông tham gia chính trị.
“Giết chết” Hiệp định hòa bình Oslo
Khi tiến trình hòa bình Oslo bắt đầu, ông kêu gọi Quốc hội Israel và quốc tế ủng hộ. Người dân Israel lắng nghe khi ông Rabin nói về hòa bình, vì ông chứng tỏ, mình có tâm huyết muốn đất nước được an toàn. Do đó, khi ông Rabin bị ám sát, đau buồn tràn ngập Israel. Họ cảm thấy có lỗi vì đã không bảo vệ được vị chính trị gia tài ba này.
Không thể khẳng định về một tương lai khác đi của Israel và Palestine nếu ông Rabin không bị ám sát. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình Oslo đã “chết” vào ngày 4-11-1995 khi tên sát thủ Amir bắn ông Rabin từ phía sau. Nhiều người cho rằng, nếu ông Rabin còn sống, người Palestine có lẽ đã có một cơ hội hòa bình. Ông Rabin chưa từng công khai tuyên bố ủng hộ ý tưởng một nhà nước Palestine, nhưng các trợ lý thân cận nhất của ông cho biết, đây là một phần của thỏa thuận cuối cùng.
Sau cái chết của ông, các cuộc hội đàm với người Palestine bị chậm tiến độ. Các nhà đàm phán chưa thể chạm vào các mục tiêu khó khăn nhất trong chương trình nghị sự của thỏa thuận hòa bình như: đường biên giới của một nhà nước Palestine, tương lai của Jerusalem, người tị nạn Palestine, và các khu định cư Do Thái ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Nếu không có vụ ám sát, ông Rabin và Arafat có thể đã nắm lấy cơ hội để làm nên lịch sử.
Ông Shimon Peres tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Israel sau vụ ám sát. Thay vì kêu gọi bầu cử sớm, ông quyết định tiếp tục làm hết nhiệm kỳ. Một chuỗi các sai lầm ngớ ngẩn tiếp sau đó dẫn đến hàng loạt các vụ đánh bom tự sát của Hamas. Và từ đó, xung đột đẫm máu vẫn mãi quẩn quanh Israel – Palestine.
An Bình
(Theo BBC)