Lay động chuyện đời người không chân ở bến Tây Trì

Thứ bảy, 17/06/2017 11:01

(Cadn.com.vn) - Người phụ nữ ấy thi thoảng chúng tôi vẫn gặp trên con đường vào chợ Đông Hà với chiếc xe lắc màu xanh quen thuộc đi giao tăm, hương cho khách. Cũng có lần chúng tôi thấy chị nổi bật lên trong đám đông cổ vũ vận động viên khuyết tật tranh tài… Tôi tiếc mình đã bỏ qua cơ hội được biết chị sớm hơn và sẻ chia câu chuyện cuộc đời chị đến với nhiều người.

Tận cùng nghiệt ngã

Gió từ bến nước Tây Trì sông Hiếu (KP2, P. Đông Giang, TP Đông Hà, Quảng Trị) thổi lên mát rượi. Tôi nán lại tí chút đưa mắt về phía bờ nam sông Hiếu. Di tích Cảng quân sự Đông Hà chỉ cách vài chục sải bơi. Cũng có thể thấy rõ dòng xe cộ đang qua lại cầu Đông Hà nườm nượp với nhịp sôi động không ngừng. Thật có quá nhiều điều để chờ đợi về nhân vật Nguyễn Thị Cúc chuẩn bị gặp, tôi rời bến nước rảo nhanh vào ngôi nhà cấp 4 nhìn ra sông. Trên bậc thềm, đã thấy chị say sưa ngắm nghía lô chậu cây cảnh mà chồng đang sơn vẽ tỉ mẩn để chuẩn bị giao cho khách hàng. Một hình ảnh đằm thắm, bình yên nhưng gợi nhiều cảm xúc. Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được thứ hạnh phúc lấp lánh trong ngôi nhà bé nhỏ này mà khiến bất kỳ ai đủ đầy, sung túc cũng ngưỡng mộ và thèm khát. Đó là nghị lực, là tình yêu và cả những chiến công thầm lặng chị mang về cho quê hương bằng sự nỗ lực không mệt mỏi vượt qua nghịch cảnh.

Chị Cúc với bộ sưu tập huy chương.

"Từng đến tận cùng nghiệt ngã...", chị kéo chúng tôi về hồi nhớ thuở bé thơ để bắt đầu câu chuyện đời mình... Năm 1968, lúc đó cô bé Nguyễn Thị Cúc mới 12 tuổi. Nhà ở trước bến nước Tây Trì, nhìn sang phía nam là cận Cảng quân sự Đông Hà được Mỹ tập trung xây dựng từ năm 1965 nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hậu cần cho những cuộc hành quân, tác chiến. Cuộc chiến ở đôi bờ sông Hiếu vì thế trở nên ác liệt. Trong một lần sang bờ Nam chưa kịp về lại bến sông, Cúc bị trúng mìn. Tiếng nổ xé trời khiến cô bé vĩnh viễn mất đi đôi chân đã nát gần đến bẹn. "Chao ôi, có sống nổi không đây", người lớn thốt lên trước cảnh tượng hãi hùng, thương xót... Chiến tranh kết thúc, sông Hiếu yên bình trở lại, nhưng bến Tây Trì vẫn dậy sóng trong lòng cô gái tên Cúc có khuôn mặt xinh đẹp và hiền hậu. Chân trời tăm tối sau biến cố nghiệt ngã, phải mất nhiều thời gian Cúc mới quen được với cảnh không chân, lúc tuyệt vọng nhất đã lết ra sông với ý nghĩ tiêu cực. Nhưng khi nghĩ, để có được ngày quê hương giải phóng, thanh bình yên ả này, bao người đã chiến đấu không tiếc máu xương, lại nghĩ đến cha mẹ ngày đêm lo lắng, cơ cực chăm lo, Cúc thấy mình quá nông nổi, ích kỷ. Không phải cô chưa từng nghĩ đến nhưng vào thời điểm đó, tuổi đời đó, cô mới nhận thức được cần phải vượt qua nỗi sợ hãi, sống xứng đáng hơn. Cuộc đời cướp đi đôi chân của Cúc thì lại cho cô "đôi tay vàng", trở thành người thợ may giỏi. Chiếc máy may của Cúc cũng được thiết kế phù hợp hoàn cảnh. Lao động đã biến một người đẹp ủ dột bỗng rạng rỡ, nhiều khát khao, bến sông Tây Trì cũng nhộn nhịp theo từ đó.

Lung linh tình yêu, lấp lánh tình đời

Bà con gần xa tìm đến may áo quần, một phần muốn được gặp, được thấy tấm gương đầy nghị lực, đẹp nết như Cúc. Và trong những người mến mộ ấy có chàng trai Trương Công Bá, hơn chị 1 tuổi, làm khảo sát đường sông, đơn vị đóng gần Cảng Đông Hà. Anh Bá nhà ở Tây Lộc (TP Huế), trước khi chuyển ngành về Quảng Trị công tác vào năm 1982 đã có 5 năm trong quân ngũ, là bộ đội thuộc đoàn huấn luyện của Sư đoàn 470 đóng tại Buôn Ma Thuột. Rung động trước tâm hồn cao đẹp của người con gái xóm nước Tây Trì, anh Bá năng lui tới nhưng mỗi lần thế đều nhận lại sự ngại ngần, từ chối khéo của chị. Nhắc lại chuyện này, chị Cúc như trở về thuở đó. "Mình tàn tật ri làm răng xứng đáng, sợ làm khổ anh, trở thành gánh nặng nhưng từ chối mấy cũng không được", chị kể. Sự kiên trì của anh Bá cũng khiến nhiều người từ chỗ nghi ngại đến nể phục. Ngay khi có người can ngăn vì lo lắng cho anh cũng phải mềm lòng trước ý chí đó. Sau 2 năm chinh phục, anh Bá hạnh phúc đón nhận tình yêu từ người con gái khuyết tật. Đám cưới giản dị nhưng được nhiều người ủng hộ và chúc phúc. Năm 1985, chị sinh con trai đầu lòng, 2 năm sau lại sinh tiếp 1 bé gái. Rồi thêm 1 đứa con trai nữa. Một người bình thường chăm lo gia đình còn khó khăn huống chi là chị nhưng họ là "cặp đôi hoàn hảo", vượt qua bao khó khăn, hạnh phúc cứ nối tiếp, đong đầy. Anh Bá càng chứng tỏ mình là trụ cột, là lựa chọn đúng đắn, tin cậy của vợ đi qua mọi  sóng gió.

Vợ chồng chị Cúc dệt nên tình yêu lung linh khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Mấy năm sau, anh Bá nghỉ việc để làm nghề mà anh yêu thích, đồng thời cũng để tăng thêm thu nhập. Đó là trang trí phù điêu, vẽ tranh tường, khắc bia mộ, đúc chậu hoa cây cảnh. Chị Cúc vẫn miệt mài nghề may. Chia sẻ về gia đình chị Cúc, chị Hồ Thị Lệ (KP1, P. Đông Giang) không giấu được sự ngưỡng mộ: "Vợ chồng anh Bá, chị Cúc khiến nhiều người khâm phục. Nhất là anh Bá, còn động viên chị Cúc tham gia thể thao, mang về niềm tự hào cho quê hương". Nói về điều này, chị Cúc cho biết năm 2003, chị bắt đầu tham gia thi đấu giải thể thao người khuyết tật của tỉnh và đạt giải cao, tiếp tục tham dự giải toàn quốc và đạt HCV. Môn sở trường của chị là ném lao và ném tạ. Được chồng con động viên, chị tiếp tục rèn luyện và tham gia đều đặn các giải đấu hàng năm dành cho người khuyết tật. Tháng 5 - 2017 vừa qua, khi đã 61 tuổi, chị vẫn giành luôn HCĐ và HCB hai môn thi giải của tỉnh. Chị giới thiệu cho chúng tôi bộ huy chương đủ màu mà chị "sưu tập" gần 15 năm qua, lấp lánh nghị lực và tự hào, trong đó có cả đẫm nước mắt đau thương. Đó là khoảng thời gian gia đình gặp biến cố, đứa con trai đầu đang là sinh viên năm thứ 2 tại ĐH Huế bị TNGT và không qua khỏi. Mất đi đứa con yêu quý, người mẹ khuyết tật tận cùng đau đớn, gục ngã. Phải nhiều nghị lực lắm chị mới dần trở lại sân tập, xong mùa thi đấu lại trở về may vá rồi làm thêm tăm, hương ở hội người mù.

Hơn 30 năm cuộc hôn nhân, tình cảm anh chị luôn nồng thắm, tha thiết dù cuộc sống chưa giàu có, chưa khấm khá dư dả như ai. Hiện con gái anh chị đã lập gia đình, đứa con trai út đang là học viên năm thứ 2 trường Lục quân 2. Nhìn đôi tay tài hoa của anh Bá, chúng tôi hỏi vui đã bao giờ anh vẽ tặng vợ bức tranh nào chưa. Người đàn ông nhân hậu ngó sang vợ trìu mến nói: "Tặng cả cuộc đời đây rồi". Chị cười òa, niềm vui lan ra như sóng, xô vào cả chúng tôi lâng lâng dạt dào.

Bảo Hà