Lấy lòng Châu Á

Thứ tư, 16/04/2014 11:10

(Cadn.com.vn) - Tạm gác lại những lo toan cho cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu chuyến công du quan trọng đến Châu Á-Thái Bình Dương, thăm các quốc gia đồng minh quan trọng vào ngày 23-4 tới.

Bắt đầu lịch trình “lấy lòng Châu Á” là Nhật Bản. Ông đến đây vào ngày 23-4 và sẽ ở lại trong 3 ngày trước khi đến Hàn Quốc vào ngày 25-4.  Sau Hàn Quốc, ông chủ Nhà Trắng sẽ tới Malaysia vào ngày 26-4 và Philippines vào ngày 28-4 trước khi lên đường về nước vào hôm sau. Trong chuyến đi lần này, không kể đến Hàn và Nhật – vốn là hai đồng minh thân cận lâu năm của Mỹ, người ta đặc biệt chú ý đến chặng dừng chân 2 quốc gia ở Đông Nam Á là Malaysia và Philippines.

Tại Malaysia, thông tin về chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng đã được thông tin rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông. Người ta dự đoán, trong chuyến đến Malaysia lần này, Tổng thống Obama sẽ đề cao con đường thành công đến dân chủ của chính phủ Kuala Lumpur, là ví dụ điển hình cho các quốc gia Hồi giáo lớn khác. Tổng thống rõ ràng sẽ đi theo kế hoạch đã đề ra là “ca ngợi”, bất chấp làn sóng giận dữ xung quanh cách giải quyết vụ máy bay mất tích của chính phủ Malaysia.

Bởi lẽ, một số cố vấn của ông Obama cũng như nhiều chuyên gia Đông Nam Á khác đang kêu gọi tổng thống sử dụng chuyến đi để củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Malaysia. Mỹ cần  thiết lập một lộ trình cho các loại hợp tác chiến lược cấp cao khác nhằm dần dần hiện thực hóa chiến lược xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương khi Nhà Trắng rõ ràng đang được hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Singapore và Thái Lan.

Phương pháp trong chuyến thăm Malaysia lần này của Mỹ là “phớt lờ” những rào cản - hoặc đơn giản thậm chí là không thảo luận về chính trị trong nước của Kuala Lumpur. Theo logic này, nếu Tổng thống Obama đưa lên các vấn đề khó chịu về tình hình trong nước của Malaysia, chẳng hạn như vấn nạn tham nhũng hay cách giải quyết vụ máy bay mất tích, điều đó sẽ nhấn chìm hoàn toàn chuyến đi.

Dưới thời Thủ tướng Najib tun Razak, quan hệ Malaysia và Mỹ cải thiện rõ nét, khi cả hai gác qua một số mâu thuẫn cũ để đạt được tiến bộ trên hàng loạt các hợp tác quân sự và ngoại giao. Nhiều người cho rằng, chính mối quan ngại về chính sách biển Đông vô lý và ngày càng áp lực của Trung Quốc chính là động lực đằng sau quan hệ chiến lược gần gũi hơn giữa Kuala Lumpur với Washington.

Thanh Văn