Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột: Âm vang cồng chiêng phố núi

Thứ hai, 13/03/2017 09:58

(Cadn.com.vn) - Tối 11-3, tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột đã diễn ra Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên với chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập”. Đây là hoạt động đặc sắc trong chuỗi sự kiện Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.

Đêm hội quy tụ hơn 300 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Quảng Nam và 4 đoàn nghệ thuật dân gian của các nước Lào, Campuchia, Rumani và Hàn Quốc cùng nhiều nghệ sĩ, diễn viên.

Đội Voi tham gia tranh tài tại lễ hội đua Voi.

Tại Đêm hội, nghệ nhân các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam trình diễn các bài chiêng đặc sắc nhất của dân tộc mình. Đội chiêng tỉnh Kon Tum tham gia Đêm hội với đội cồng chiêng Xơ Đăng; tỉnh Gia Lai với 2 đội cồng chiêng Gia Rai, Ba Na; tỉnh Lâm Đồng với 2 đội chiêng Kho và Chu Ru; tỉnh Đắc Nông có đội chiêng Mnông. Riêng chủ nhà Đắc Lắc tham gia Đêm hội với 3 đội chiêng đặc sắc Êđe Adham, chiêng nữ Êđê Bil và đội chiêng dân tộc Mường. Dịp này, khán giả còn được thưởng thức chiêng của người Cơ Tu (Quảng Nam) và các tiết mục nghệ thuật của đoàn nghệ thuật các nước Lào, Campuchia, Rumani, Hàn Quốc.Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 nhằm quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắc Lắc nói riêng với bạn bè trong nước và quốc tế; khẳng định giá trị, sức sáng tạo không ngừng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đêm hội còn là dịp để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tiếp đó, ngày 12-3, tại TT Liên Sơn, H. Lắk diễn ra Lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc truyền thống, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm nhằm giới thiệu những tiềm năng văn hóa du lịch sinh thái của tỉnh, tôn vinh giá trị văn hóa của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và nổi bật là truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng và làm thuyền độc mộc di sản văn hóa của H.Lắk.

Ngọc Giang

Ngày 12-3, tại TP Buôn Ma Thuột, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức hội thảo “Ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”. Các đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp tham gia hội thảo đều cho rằng cà phê Tây Nguyên sẽ thiếu nước tưới trầm trọng trong thời gian tới. Tại Hội thảo, TS. Trương Hồng -quyền Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết: Hiện nguồn nước mặt trên các con sông lớn ở Tây Nguyên như Sê San, Srêpốk, Sông Ba và Đồng Nai đã cạn kiệt lưu lượng dòng chảy từ 173.863 lít/s (2004 - 2005) xuống còn khoảng 125.000 lít/s. Trong khi đó, nguồn nước ngầm tại các tỉnh Tây Nguyên đã suy giảm nghiêm trọng (giảm xuống từ 3-5m so với cách đây 10 năm) và lượng mưa chỉ đạt từ 65-75% so với trung bình nhiều năm. Những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm cho thời tiết nơi đây diễn biến ngày càng phức tạp, làm giảm năng suất và chất lượng cà phê Tây Nguyên.

Theo TS. Dave A.Dhaeze - Công ty tư vấn cà phê E.D.E Consulting - Đức, vùng Tây Nguyên ấm lên nhanh hơn so với mức trung bình của các khu vực khác trên trái đất. Nhiệt độ Tây Nguyên đã tăng từ 0,3 - 0,5oC trong thời gian từ 1979 - 2012. Còn theo kịch bản BĐKH của Bộ TN-MT vào năm 2009, nhiệt độ Tây Nguyên sẽ tăng lên khoảng 1,01oC vào năm 2050 và 2,39oC  vào năm 2100. Như vậy, cà phê Tây Nguyên sẽ thiếu nước tưới trầm trọng trong thời gian tới. Theo TS. Trương Hồng, vào năm 1998, hiện tượng khô hạn xảy ra nghiêm trọng ở Tây Nguyên đã làm năng suất cà phê giảm 20-30% và chất lượng giảm khoảng 40-50% so với niên vụ trước đó. Đến năm 2010, nắng nóng kéo dài ở Tây Nguyên cũng đã làm năng suất cà phê giảm khoảng 15 - 20% so với các năm trước. Đến năm 2016, tình trạng khô hạn khốc liệt diễn ra trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng của 100.000ha cà phê Tây Nguyên, trong đó có nhiều diện tích cà phê bị chết không thể khôi phục được.

Để giảm thiểu tác hại của BĐKH đối với cà phê Tây Nguyên, các tỉnh trong khu vực phải có những giải pháp đồng bộ mang tính đa ngành, đa lĩnh vực. Chúng ta phải quy hoạch lại vùng sản xuất cà phê, nơi nào không hiệu quả thì chuyển đổi trồng cây khác và tập trung đầu tư cho những khu vực chủ động được nguồn nước tưới. Đầu tư, cung cấp giống chất lượng để tái canh những khu vực cà phê hiệu quả. Bảo vệ, siết chặt công tác quản lý rừng và đầu tư trồng rừng đầu nguồn để giữ nguồn nước.