Lễ hội đua thuyền đầu xuân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi): Dưới biển lướt sóng, trên bờ đỏ đen
(Cadn.com.vn) - Đua thuyền đầu xuân tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là một lễ hội truyền thống được diễn ra trong 5 ngày từ mồng 4 đến mồng 8 Tết (6 đến 10-2) nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, người an vật thịnh…Tuy nhiên, hiện nay dân đỏ đen xem đó là một trò chơi ăn tiền để rồi trước mỗi cuộc đua họ bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ để cá cược. Để có một cái nhìn cụ thể nhất về hành trình cá cược của những con bạc trên đất đảo, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc thâm nhập thực tế.
Những ngày đầu xuân Tân Mão, chúng tôi lên thuyền vượt sóng ra huyện đảo Lý Sơn để chứng kiến giới đỏ đen say mê trong những cuộc đua thuyền truyền thống đầu năm mới với quy mô lớn… Được sự giới thiệu của một số người dân, chúng tôi tìm gặp C., một con bạc có máu mặt trên đảo tỏi để tìm hiểu cuộc “vui xuân” trong hội đua thuyền. Không ngần ngại hay e dè, C. nhận lời ngay đồng thời tận tình chỉ dẫn: “Ở đây có 8 thuyền của 2 xã An Hải và An Vĩnh. Từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 7 âm lịch, 4 thuyền (Rồng, Phụng, Quy, Lân) của mỗi xã tranh đua với nhau tại địa phương mình. Đến ngày mồng 8 (ÂL) tất cả 8 thuyền của 2 xã về vùng biển tại trung tâm huyện để tranh tài. Ngày đua nào cũng thế, 4 thuyền ở xã An Hải đều bơi trước nên giờ mình xuống đó xem có “kèo nào” thì tham gia vài đồng cho vui. Sau đó lên tìm hiểu 4 thuyền tại xã An Vĩnh rồi tham gia tiếp”.
Dứt lời, C. dẫn chúng tôi tìm về gần đình làng xã An Hải, nơi được xem là điểm cá cược lớn nhất của những con bạc xã An Hải. Dù còn hơn 5 giờ đồng hồ nữa cuộc đua mới bắt đầu nhưng không khí cá cược đã nhộn nhịp. Hòa lẫn trong không gian ồn ào là tiếng phát động của một con bạc: “Hôm nay đánh Phụng thắng Rồng, ai theo kèo nào thì bỏ tiền ra”. Bàn tán, ngẫm nghĩ, cuối cùng một số người quyết định rút tiền đặt cược cho chiếc thuyền của xóm mình. Thời gian chỉ chớp nhoáng chưa đầy 5 phút, nhưng số tiền bỏ vào canh bạc cũng đã lên đến vài trăm triệu đồng. Người nhiều thì vài chục triệu, kẻ ít thì dăm ba triệu. Dù không thuộc xóm thuyền Phụng hay thuyền Rồng nhưng sau khi xem xét con nước đầu năm, C. quyết định đặt cược về phía thuyền Rồng. “Nghe đâu nhiều người đã đặt cược ngày đầu khai hội thuyền Phụng thắng thuyền Rồng vài trăm chai (triệu) trước Tết rồi. Và, hôm nay tình hình như thế thì có thể con số cá cược lên đến tỷ đồng. Ở đất đảo người ta quan niệm về tâm linh rằng cá độ thắng lớn sẽ mang nhiều may mắn cho một năm đi biển cho nên dân đi biển thường tranh thủ lễ hội để cá cược. Vì vậy, dù giá trị giải chỉ vài trăm ngàn cho giải nhất nhưng tiền cá cược chung chi nhiều đến bạc tỷ tiền mặt”, một ngư dân và cũng là con bạc cho biết.
![]() |
Mỗi chiếc thuyền mang trên mình hàng trăm triệu đồng thậm chí cả tỷ đồng |
Thời gian dần trôi qua, số tiền mỗi lúc một tăng lên, cuộc đua cũng được bắt đầu, những tiếng la hét hòa trong tiếng trống từ đình làng làm cho không khí trở nên sinh động. Tiếng thách đố, tiếng chửi thề cũng vang lên sau khi cuộc đua trở nên kịch tính và hỗn tạp. Hàng chục tay bạc tiếp tục bỏ tiền ra để thách đố cho chiếc thuyền của xóm mình. “Ngoài việc đặt cược trước, người ta còn chơi theo kiểu giữa cuộc đua ai cho rằng thuyền nào thắng thì bỏ tiền ra thách đố theo tỷ lệ khác nhau do hai người giao kèo”- C. giải thích. Thấy tôi chăm chú nhìn một nhóm người vừa xem cuộc đua vừa bàn tán các thuyền, C. lên tiếng: “Đó là những tay chơi cá cược đua thuyền có máu mặt tại xã An Vĩnh. Họ xuống đây không phải để “chơi” ngày đầu xuân mà đang nghiên cứu lối đi của các thuyền xã An Hải để đánh cược cho ngày mồng 8 đấy. Đua 4 thuyền thì thường đánh riêng lẻ từng thuyền nhưng đến lúc 8 thuyền của 2 xã đua với nhau thì người ta chơi theo nhiều loại như: xã An Vĩnh hay An Hải đoạt cúp, bao nhiêu thuyền của xã An Vĩnh hay xã An Hải lọt vào trận chung kết 4 chiếc để tranh cúp, tổng điểm cộng lại của xã nào hơn xã nào… Ngoài ra người ta còn đánh riêng lẻ từng thuyền một như thuyền Phụng xã An Hải thắng thuyền Phụng xã An Vĩnh hay thuyền Quy xã An Vĩnh thắng thuyền Rồng xã An Hải hoặc thuyền Phụng xã An Vĩnh thắng thuyền Lân xã An Vĩnh…”.
![]() |
Trong số này, có hàng trăm con bạc khát nước theo dõi cuộc đua vì… thắng thua. |
Cuộc đua khai hội tại xã An Hải kết thúc, thuyền Quy nhất, thuyền Rồng nhì, thuyền Phụng ba và thuyền Lân đứng thứ tư. Với kết quả như thế đồng nghĩa là C. thắng được 10 triệu đồng và hàng trăm triệu đồng của người dân xóm thuyền Phụng về tay của người xóm thuyền Rồng. Không để mất thời gian, C. nhanh chân đến điểm cá cược nhận tiền xong rồi lên xe chạy về đình làng xã An Vĩnh tìm hiểu cuộc đua để cá cược. “Hôm nay nhiều người đánh thuyền Quy nhất đó có bắt không C.”, một người bạn của C. cất lời hỏi. Là một tay cờ bạc chuyên nghiệp nên C. cũng không vừa: “Nghe đâu thuyền Quy mới đóng về, hết cả trăm triệu đồng nên bơi hay lắm. Nếu họ đánh 10 ăn 5 thì bắt (nghĩa là 1 triệu ăn 500 ngàn đồng) còn không thì thôi”. 12 giờ trưa, tiếng trống khai hội sắp bắt đầu, một số con bạc khát nước của xóm thuyền Quy quyết định đánh chấp, Quy nhất 10 ăn 5, sau đó xuống 10 ăn 3. Dẫu nghĩ rằng thuyền Quy có thể thắng trong ngày đầu nhưng với kiểu bỏ ra 3 triệu nếu thắng thì được 10 triệu đồng nên nhiều người đã tham gia. Hàng trăm triệu đồng của các con bạc vừa trao tay, tiếng trống đình làng phát ra, cuộc đua bắt đầu. Sau gần 1 giờ đồng hồ vượt qua đường đua 4 dòng 8 dạo hơn 10 cây số, thuyền Phụng đã chạm đích để về nhất, thuyền Lân theo sau về nhì, thuyền Quy về ba và cuối cùng là thuyền Rồng. Những con bạc xóm thuyền Quy không dám tin vào mắt mình khi lần lượt hai chiếc thuyền Phụng và Lân về trước. Một số người vừa tức tối vừa xấu hổ nên tỏ vẻ bất mãn: “Bỏ ra hơn trăm triệu đồng để đóng chiếc mới với hy vọng về nhất nhưng bơi trò kiểu thế thì dẹp đi. Ngày nay riêng tôi không cũng đã 30 triệu đồng còn tính cả dân xóm thuyền Quy thì con số đó cũng phải lên đến vài trăm triệu đồng… Vậy là xem như dân làng đầu tư hơn nửa tỷ cho chiếc thuyền này để bơi buổi đầu xuân rồi bỏ”. Dứt lời, những con bạc thua tiền theo dòng người để trở về nhà.
![]() |
Cá độ cho mỗi cuộc đua, người nhiều thì vài chục triệu, kẻ ít thì vài triệu đồng. |
Tưởng cuộc đua kết thúc những con bạc sẽ nghỉ ngơi để lấy sức, nhưng không họ lại tiếp tục cá cược cho những cuộc đua sắp tới. Dân xóm thuyền Quy dẫu điên tiết vì thua đậm trong ngày đầu ra quân nhưng ít nhiều họ vẫn còn tin tưởng ở chiếc thuyền mới đóng và có phần thấy được tia sáng cho ngày mai (tức là ngày mồng 5 Tết) nên họ quyết định thách đấu với kiểu Quy nhất vào ngày mồng 5 Tết 10 ăn 6. Đã trở thành quy luật, có kẻ đánh thì có người bắt nên số tiền hàng trăm triệu đồng bỏ ra cá cược cho ngày thứ hai của cuộc đua cũng được những con bạc của xóm thuyền khác bắt. Thấy dân xóm thuyền Quy chịu chơi như thế nên những con bạc xóm thuyền Phụng cũng không chịu thua. Họ quyết định đặt cược cuộc đua ngày mồng 5 thuyền Phụng tiếp tục về nhất 10 ăn 8. Tuy nhiên dân xóm thuyền Lân không vừa nên họ đáp trả theo kiểu: “Mồng 5 ai đánh thuyền Phụng về nhất bao nhiêu cũng bắt cả”. Nghe những con bạc xóm thuyền Lân tuyên bố, sáng ngày mồng 5, dân xóm thuyền Phụng tỏ ra sợ hãi nên đổi hướng từ 10 ăn 8 lên 10 ăn 10 và khi cuộc đua sắp bắt đầu thì ngược lại còn 8 ăn 10. Tưởng đưa ra mức chung chi như thế dân xóm thuyền Lân sẽ sợ mà bỏ cuộc nhưng rồi tất cả bao nhiêu tiền dân thuyền Phụng bỏ ra cũng được xóm thuyền Lân đón nhận…
Cuộc đua tiếp tục diễn ra và rồi cũng kết thúc. Tại xã An Vĩnh thuyền Lân về nhất, thuyền Rồng về nhì, thuyền Phụng về ba và về cuối là thuyền Quy. Vậy là một lần nữa những con bạc thuộc xóm thuyền Quy lại trắng tay. Bao nhiêu tiền dân thuyền Phụng thắng được trong ngày đầu khai hội từ dân thuyền Quy đã về tay xóm thuyền Lân. Bên cạnh đó, tại xã An Hải, trong ngày thứ hai của cuộc đua thuyền Rồng về nhất, thuyền Quy về nhì, thuyền Phụng giành giải ba và về cuối là thuyền Lân. Thế là bao nhiêu tiền của dân đỏ đen ở xóm thuyền Phụng đã về tay xóm thuyền Rồng.
Ngày thứ hai của cuộc đua đã kết thúc, hàng tỷ đồng trong các canh bạc đã có chủ nhưng cuộc chơi vẫn chưa có hồi kết vì cuộc đua còn vài ngày nữa…
Phóng sự: Trí Dũng