Lễ hội Quán Thế Âm 19-2-Ngũ Hành Sơn: Tôn vinh các giá trị văn hóa, lòng từ bi và hướng thiện
(Cadn.com.vn) - Tối 14-3 (17-2 âm lịch), Lễ hội Quán Thế Âm 19-2-Ngũ Hành Sơn 2017 chính thức khai mạc tại chùa Quán Thế Âm (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Đến dự có Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Hàng ngàn Phật tử, người dân, du khách tham quan và chiêm bái |
Nô nức trẩy hội
Như các lễ hội lớn được tổ chức thường niên mỗi độ xuân về trên khắp cả nước, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 không ngoài mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách. Với những nét đặc trưng và độc đáo riêng, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và vùng lịch sử - văn hóa Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Vì vậy, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam, đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc, giao lưu văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Chị Nguyễn Lan Phương (36 tuổi, trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho rằng: "Đến với Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 không chỉ để chiêm bái Phật và tìm sự an lành, tôi còn tham gia vào các hoạt động hấp dẫn, thưởng thức các làn điệu dân ca ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước của các nghệ sĩ hô hát bài chòi. Tôi càng thấy yêu quê hương, đất nước mình hơn...".
Trong ngày khai hội, đông đảo Chư tăng, Phật tử, người dân, du khách trong và ngoài nước tề tựu về chùa Quán Thế Âm để chiêm bái Phật, thưởng lãm những hoạt động đặc sắc trong chương trình Lễ hội Quán Thế Âm 19-2, tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo. Thượng tọa Thích Huệ Vinh - Trú trì chùa Quán Thế Âm, Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 cho biết: "Bảo tàng Văn hóa Phật giáo trưng bày hơn 500 hiện vật có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau gồm nhiều bộ tượng Phật, tranh tượng, pháp khí đủ chất liệu như gỗ, đồng, đá, ngọc, gốm... Nổi bật có bộ 8 tượng Phật Mật Tông, nhiều tượng Phật thời Chămpa với hình dáng đa dạng, bức tranh Đức Phật nhập niết bàn... Trong số 500 hiện vật, có 200 cổ vật được giám định mang nhiều nét văn hóa điêu khắc khác lạ có tuổi đời gần 100 năm và lâu nhất đến 7 thế kỷ. Vì vậy, khi biết Bảo tàng được mở cửa trong dịp Lễ hội, đông đảo du khách và người dân đã đến tham quan và tìm hiểu thêm về lịch sử Phật giáo...".
Một điều dễ dàng nhận thấy tại lễ hội Quán Thế Âm 19-2 đó là mọi người, không phân biệt địa vị, giàu nghèo, đều nô nức đến đây để được chiêm bái Ngọc Quán Âm cho tình thương nhân loại, nguyện cầu những điều tốt lành nhất và hướng thiện. Du khách Nguyễn Thị Kim Dung (40 tuổi, quê Q. Thủ Đức, TPHCM) bộc bạch: "Trong tâm thức của người Việt, Bồ tát Quán Thế Âm có tấm lòng từ bi, bác ái, cứu giúp dân lành. Vì thế, vào dịp Lễ hội, không riêng gì tôi mà hàng vạn người dân, Phật tử và du khách đều hành hương háo hức đến Non Nước-Ngũ Hành Sơn để viếng chùa, lễ Phật, vãn cảnh núi non, hang động, cầu mong quốc thái dân an, chúng sinh an lạc. Nét thanh tịnh ở nơi đây như vừa dẫn dắt mọi người vào tiên cảnh, vừa mở ra ước nguyện về cuộc sống an lành... Lễ hội còn là dịp để mọi người hiểu hơn về sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ thông qua việc chiêm ngưỡng, tìm hiểu nhiều bộ tượng Phật, tranh tượng, pháp khí đủ chất liệu trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo".
Nguyện cầu Quốc thái - Dân an
16 giờ, lễ dâng hương Tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, lễ Tế xuân cầu Quốc thái - Dân an và lễ Tế Thạch nghệ Tổ sư diễn ra, các vị bô lão tại địa phương trang trọng trong bộ lễ phục cổ truyền, trang nghiêm thành kính hướng về giờ phút thiêng liêng của sông núi. Từng lời văn tế được xướng lên để bố cáo trời đất, thần hoàng bổn xứ, nguyện cầu quốc thái dân an. Một bầu không khí hết sức tín thành lắng đọng, lung linh huyền ảo giữa khói hương trầm nghi ngút, lan tỏa vào tâm hồn mọi người. Ông Bùi Văn Chí (65 tuổi, trú H. Núi Thành, Quảng Nam), cho biết: "Tôi về đây để chiêm bái Đức Phật Quán Thế Âm, nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước phát triển và phồn vinh, mọi người được khỏe mạnh, hạnh phúc, ấm no. Đồng thời, qua nghi lễ, tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc...".
Nghi lễ Tế xuân cầu Quốc thái Dân an và lễ tế Thạch nghệ Tổ sư |
Đúng 19 giờ ngày 14-3, tiếng trống khai hội chính thức vang lên, các đội hình rước ánh sáng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lòng từ bi, hỷ xả, cứu khổ cứu nạn chúng sanh, hướng tới cái thiện, rời xa cái ác. Trong giây phút khai hội thiêng liêng chào mừng Lễ khánh đản Quán Thế Âm Bồ Tát, khí xuân an lạc dâng đầy, hàng nghìn trái tim tín đồ Phật tử và người dân từ khắp mọi miền đất nước hướng về lễ hội. Dưới sông, các Chư tăng, Phật tử chùa Quán Thế Âm và du khách thả hoa đăng, gửi lời cầu nguyện cho ánh sáng trí tuệ được trường tồn như dòng nước... Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi sâu vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây thực sự là lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày càng sống đẹp hơn... Chị Hoàng Thị Phượng (44 tuổi, trú Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: "Khi đến chốn thâm nghiêm này, tôi cảm thấy tâm hồn thanh thản, bình yên lạ kỳ. Hơn nữa, đến với Lễ hội Quán Thế Âm 19-2, tôi không chỉ được hưởng thụ nét đẹp của các hoạt động mà còn có thể trải nghiệm và tìm hiểu về những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo; được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Đà Nẵng".
Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban Lễ hội Quán Thế Âm 19/2-Ngũ Hành Sơn 2017 nhấn mạnh: "Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 được tổ chức hằng năm là một minh chứng hết sức sống động, ý nghĩa và đậm tính nhân văn... Tại Lễ hội năm nay, Ban Tổ chức vui mừng được đón tiếp quý Chư, Tôn, Đức Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến tham dự, trực tiếp thuyết pháp và hướng dẫn Thiền tọa cho Phật tử. Các đoàn Cao tăng các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như người dân, Phật tử, du khách trong và ngoài nước cũng hành hương về chiêm bái và tham dự hội. Vì vậy, tôi hy vọng rằng trong những ngày diễn ra Lễ hội, các vị đại biểu, các vị khách quý, người dân, du khách trong và ngoài nước sẽ lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng về một Lễ hội tâm linh mang đậm tính nhân văn của một vùng Non Nước sơn thủy hữu tình...".
Sau đêm khai hội, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 tiếp tục diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-3 với nhiều hoạt động sôi nổi như: Ngày chay vì hòa bình và sức khỏe cộng đồng, pháp đàn Quán Thế Âm, hội Cờ làng, Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm, đua thuyền truyền thống đoạt cờ lệnh rước Huyền Trân Công Chúa...
Lê Hùng