Lễ hội Quán Thế Âm sẽ diễn ra tôn nghiêm, an toàn

Thứ sáu, 24/02/2023 14:49
Ngày 24-2-2023, UBND quận Ngũ Hành Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về Lễ hội Quán Thế Âm và Lễ đón nhận Bằng Công nhận Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại diện CATP Đà Nẵng trả lời một số vấn đề P.V quan tâm.
Lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng chủ trì buổi họp báo

Theo đó, lễ hội sẽ diễn ra 3 ngày, từ ngày 8-3 đến ngày 10-3-2023 (nhằm các ngày 17, 18 và 19 tháng 2 năm Qúy Mão). Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng năm 2023 sẽ được tổ chức với quy mô cùng nhiều hoạt động hơn gắn với văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian gắn liền với đời sống cư dân vùng duyên hải Trung bộ diễn ra tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm và các tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Hiến… Đặc biệt, Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn vừa được UNESCO ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được giới thiệu tại lễ hội Ma nhai danh thắng Ngũ Hành Sơn là hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán-Nôm được khắc trên vách đá và hang động với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 được xem là dấu nối giữa tiền nhân và hậu thế, là nhịp cầu giao lưu, quan hệ giữa VN và các quốc gia, dân tộc trong khu vực, được xem có nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, văn học, thư pháp, nghệ thuật…

Lễ hội năm 2023 ngoài các hoạt động nghi lễ, tôn giáo gồm: Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm; rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát; gắn biển tại Động Quán Thế Âm-địa điểm tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm, TP Đà Nẵng-Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; lễ dâng hương Tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa; tế Xuân cầu Quốc thái - Dân an, Pháp đàn Đại bi, Thiền tọa … Ngoài ra, tại lễ hội còn tổ chức trưng bày, trao Chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho Độc bản lá bồ đề lớn nhất mạ vàng 24K và độc bản 16 bức tranh Sứ màu cẩn trên tường 4 tháp chùa Quán Thế Âm; khánh thành, khai trương Thư viện Vạn Hạnh, diễn thuyết về Văn hóa đọc mở cửa tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo; trưng bày và biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước, khai mạc Triển lãm tranh, ảnh thắng cảnh Ngũ Hành Sơn... cùng các trò chơi mang tính dân gian, như: thả diều nghệ thuật, hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước; hội Cờ làng, thi Kéo co, đẩy gậy, Hô hát Bài chòi Khu V; các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật nấu ăn Món chay tuyệt phẩm… Ban tổ chức lễ hội còn tổ chức các góc Trà thư-biểu diễn âm nhạc dân tộc (tổ chức các góc biểu diễn nhạc cụ dân tộc kết hợp uống trà, ngâm thơ…); biểu diễn nghệ thuật thư pháp đại tự, múa, hát, vẽ… theo văn hóa Nhật bản…

Đại diện CATP Đà Nẵng trả lời một số vấn đề P.V quan tâm.

Ban tổ chức cũng đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra một cách tôn nghiêm, an toàn, không có các loại tệ nạn xã hội…

M.T