Lễ hội tơ lụa Châu Á

Thứ bảy, 26/03/2016 09:31

(Cadn.com.vn) - Đại diện 9 quốc gia Châu Á sẽ tề tựu tại Hội An vào ngày 28-3 để tham gia lễ hội tơ lụa mang tầm châu lục. Đây cũng là hoạt động chính thức đầu tiên của Hiệp hội tơ lụa thế giới và Châu Á tổ chức tại Việt Nam.

Các nghệ nhân trình diễn kỹ nghệ dệt lụa Chăm truyền thống. Ảnh: HoiAn Silkvillage

TÁI HIỆN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Tham gia lễ hội, đại diện các hãng tơ lụa Châu Á sẽ trải qua nhiều hoạt động hấp dẫn, giàu ý nghĩa như chứng kiến toàn bộ quy trình từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ngay tại làng lụa Hội An. Các nghệ nhân làng nghề Cơ Tu, Vạn Phúc, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận, Mã Châu cũng sẽ trình diễn kỹ thuật dệt lụa truyền thống để giao lưu, chia sẻ. Lễ phục dựng con đường tơ lụa trên biển từ thương cảng Hội An sang Trung Hoa, Nhật Bản, các nước phương Tây cách đây 300 năm cũng là một điểm nhấn giàu ý nghĩa. Từ đây, những loại tơ hảo hạng của Quảng Nam 300 năm trước đã theo con đường tơ lụa này ra nước ngoài, làm nên sự thịnh vượng của vùng đất Đàng Trong. Bên cạnh đó, triển lãm tơ lụa quốc tế cũng hứa hẹn hấp dẫn khi quy tụ nhiều dòng lụa nức tiếng trong và ngoài nước.

Lần đầu tiên dòng lụa nổi tiếng thế giới Cashmere của Ấn Độ tới Việt Nam với những sản phẩm thông dụng đời thường như váy áo, khăn lụa, áo gối, chăn mền. Hoặc các sản phẩm đến từ nhiều tập đoàn lớn ở thủ phủ lụa Hàng Châu, Tứ Xuyên (Trung Quốc). Đây là những tập đoàn sản xuất lụa mang tính ứng dụng cao vào đời sống hiện đại từ thiết kế mẫu đến khả năng giặt và sử dụng dễ dàng. 3 tập đoàn tơ lụa lớn nhất Thái Lan cũng xuất hiện, trong đó tập đoàn Thai silk có kinh nghiệm phục vụ du khách trải nghiệm văn hóa lụa Thái Lan với bảo tàng danh tiếng Jim Thomsone tại Bangkok sẽ có những chia sẻ kinh nghiệm thú vị. Tất nhiên, sự chờ đợi hơn cả vẫn là gian hàng của các làng lụa nổi tiếng Việt Nam như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Vạn Phúc (Hà Nội), Mã Châu (Quảng Nam)… Đặc biệt đến từ thương hiệu “Áo lụa Hà Đông” là sản phẩm áo dài OZ cách tân của nghệ nhân Đỗ Quang Hùng rất nổi tiếng, người đã đưa áo dài vào đời sống hiện đại bởi các thiết kế cách tân  đang tạo lên “cơn sốt” trong giới trẻ hiện nay.

Bà Đỗ Khải Ly- Giám đốc Truyền thông và quản lý dự án phát triển bảo tàng Làng lụa Hội An cho biết, lễ hội tơ lụa Châu Á lần này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa tơ tằm Việt Nam đã có từ lâu đời, đồng thời động viên tinh thần các nhà sản xuất, nghệ nhân gìn giữ những giá trị truyền thống. Với nhiều hoạt động thiết thực, lễ hội cũng mở rộng mối quan hệ, hợp tác quốc tế trên thương trường của ngành sản xuất tơ lụa với những đối tác quan trọng tới từ Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar… Và điều đặc biệt hơn, thông qua lễ hội quy mô tầm châu lục này, Di sản Văn hóa thế giới Hội An sẽ được giới thiệu ra thế giới, kết nối mô hình dịch vụ “thành phố may đo thời trang cho cả thế giới thông qua khách du lịch” với các tập đoàn sản xuất tơ tằm lớn trên thế giới.

Chương trình thời trang Đêm lụa phương Đông sẽ giới thiệu
những bộ sưu tập tơ lụa đặc sắc (ảnh: HoiAn SilkVillage).

TÌM ĐƯỜNG CHO TƠ LỤA VIỆT

Cũng tại lễ hội, đại diện 40 tập đoàn sản xuất tơ lụa từ 9 quốc gia Châu Á sẽ cùng bàn bạc, chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động, trong bối cảnh ngành tơ lụa truyền thống gặp khó hiện nay. Chủ tịch Hiệp hội tơ lụa Tokyo, ông Wantanabe chia sẻ, tất cả những nhà sản xuất tơ lụa của Nhật đã thống nhất đầu tư cho một dòng tơ tằm thiên nhiên, với quy trình sạch, loại bỏ hoàn toàn hóa chất trong sản xuất. Sau 2 năm, 210 Cty của Nhật đã cùng có mặt để giới thiệu 570 sản phẩm lụa, với các mẫu mã độc đáo nhất để người Nhật hiểu rõ đây là hàng “thuần Nhật”, được sản xuất quy trình an toàn, dành cho người Nhật. Bằng cách đó, ngành tơ lụa của Nhật đã thoát khỏi khó khăn. Sau 8 năm, các Cty của Nhật chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu thị trường. Người Nhật coi loại tơ lụa “thuần Nhật” này là thương hiệu quốc gia.

Tiến sĩ Pajaree Kewcharoenwong, Giám đốc Makerting của Spun Silk World (Thái Lan) thì chia sẻ, các tập đoàn tơ lụa của Thái đã tìm “lối thoát” bằng cách tập trung đầu tư sản xuất theo quy trình sạch. Tức là không sử dụng hóa chất độc hại như hóa chất khử trùng bằng clo hoặc các kim loại nặng trong quá trình sản xuất, để đảm bảo an toàn cho khách hàng. Bên cạnh đó, với những nhãn lụa hữu cơ thì buộc phải có nguồn gốc hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… Đại diện các tập đoàn tơ lụa từ Trung Quốc thì chia sẻ, sản xuất hàng lụa tơ tằm phải tạo con đường cho lụa chuyển tiếp nhẹ nhàng từ truyền thống vào hiện đại. Nghĩa là phải đưa tơ lụa vào tay người trẻ, để những chiếc áo dài sườn xám với lụa truyền thống của Trung Quốc sẽ chuyển thành những chiếc áo cách tân, phù hợp với đời sống hiện đại, với thị hiếu của giới trẻ.

Ông Lê Thái Vũ- Chủ tịch HĐQT Cty Tơ lụa Quảng Nam cho rằng, làm thương hiệu cho lụa như người Nhật rất khó. Bởi lẽ chúng ta chưa có khách hàng với phẩm chất như người Nhật, càng không có nhà sản xuất như người Nhật. Không chỉ lụa, tất cả các loại hàng hóa khác đều cùng con đường. Điều đáng suy nghĩ là chúng ta đang vận động người tiêu dùng quay lại với hàng Việt, nhưng cần có một chiến lược xây dựng quy chuẩn về chất lượng, văn hóa, văn minh trong khái niệm hàng Việt để cả người sản xuất và tiêu dùng hướng vào cân đong đo đếm.

Hải Quỳnh