Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Lễ hội của lòng biết ơn

Thứ ba, 19/04/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Sáng qua, 18-4 (nhằm ngày 16-3 ÂL) Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã chính thức diễn ra tại đình làng An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi). Đây là nghi thức truyền  thống của người dân đảo nhằm ghi nhớ công ơn của thế hệ cha ông cách đây hơn 300 năm đã chèo thuyền, vượt sóng dữ ra đo đạc thủy trình, khai thác sản vật, canh giữ vùng biển đảo, dựng bia cắm mốc chủ quyền lãnh hải quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại buổi lễ, ông Trần Bút – Chủ tịch UBND xã An Vĩnh bày tỏ: “Thời ấy đi biển rất khó khăn, phương tiện quá thô sơ với những chiếc thuyền câu, chỉ dựa vào kinh nghiệm và lòng dũng cảm là chính nên phần lớn những người đi Hoàng Sa đều hy sinh trên biển. Vì vậy, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm mục đích tôn vinh văn hóa cổ truyền, khơi gợi niềm tự hào về một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lòng biết ơn các tiền nhân đã hy sinh vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời lưu truyền, bảo tồn lễ hội này ngày một sâu rộng trong cộng đồng. Qua đó góp phần khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong ngày đại lễ, hàng chục nghìn người con đất Việt có mặt trên đất đảo đại diện cho người dân cả nước thắp nén hương tưởng nhớ linh hồn tiền nhân, những người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lòng biết ơn của hậu thế đối với các bậc tiền nhân là một trong những lý do để Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trường tồn trong đời sống tâm linh của người dân huyện đảo Lý Sơn và Quảng Ngãi nói chung. Đặc biệt, đây là dịp để hơn 2 vạn dân trên đất đảo và hàng trăm người con Lý Sơn đang làm ăn sinh sống từ mọi miền của Tổ quốc cũng trở về đất đảo, tề tựu bên mâm cúng với những món ăn dân dã mà ông bà chúng tôi đã dùng làm lương thảo trong những hành trình đi Hoàng Sa thuở trước”. 

Chúng tôi xin chuyển đến bạn đọc một số hình ảnh tại buổi Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Tiến hành nghi thức dâng vật phẩm cho tổ tiên. 

 Nghi thức thả phương tiện để các bậc tiền hiền trở về với Hoàng Sa, Trường Sa.

 Vị khách đặc biệt-ông Andre Menras (quốc tịch Pháp) và tên gọi Việt Nam
là Hồ Cương Quyết–Chủ tịch Hiệp hội Sư phạm Việt -Pháp (ADEP) đang tác nghiệp tại lễ hội.

 Vị bô lão thổi ốc u để tưởng nhớ các bậc tiền nhân.

 Mô phỏng những chiếc thuyền buồm của các đội hùng binh Hoàng Sa lên đường bảo vệ biên cương của Tổ quốc.