Lê Nguyên Vỹ và chiếc vỏ bào ngư
(Cadn.com.vn) - Khi anh "in" ảnh trên đá, báo giới và bạn bè gọi anh là "Thạch ảnh gia", lúc "in" hình trên lá là "Diệp ảnh gia". Còn bây giờ, anh vừa nghiên cứu thành công và cho ra một "phân khúc" mới trên con đường nghệ thuật, mà anh vẫn luôn bảo đùa là "đường kiếm cơm" không giống ai. Đó là "in" ảnh vào mặt trong của những chiếc vỏ bào ngư. Tôi bảo anh có nhiều "gia" rồi, nên lần này gộp các "gia" lại và gọi anh là "Bào ngư ảnh gia gia" mới đúng thương hiệu và xứng tầm! Anh cười: Chữ "gia gia" đi sau chữ "Bào ngư ảnh" nghe vui hè! Gọi lên nghe nó hay hơn là "Bào ngư ảnh gia" theo như cách gọi "truyền thống" là "Thạch ảnh gia" hay "Diệp ảnh gia"...
Hình ảnh in trên vỏ bào ngư. |
Người được phong "tước" nhiều "gia" này chính là nghệ nhân, nghệ sĩ Lê Nguyên Vỹ. Nói anh là nghệ nhân, vì anh được Hội Làng nghề Việt Nam vinh danh đã tạo ra sản phẩm thương hiệu Việt. Các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao của anh đã được ghi vào sách Kỷ lục Guinness Việt Nam từ hơn 10 năm nay. Nói anh là nghệ sĩ vì anh là tác giả của nhiều ca khúc và nhiều bài thơ đã được phổ biến. Sau "in" ảnh trên đá và trên lá, việc "in" ảnh trên vỏ bào ngư bắt đầu từ một sự tình cờ. Tôi may mắn là nhân chứng trong giây phút đầu tiên cho quyết định "chơi ngông" này của Vỹ. Cách đây gần nửa năm, một người bạn của anh ở xa ghé Đà Nẵng, trước khi bay đi Hà Nội có hẹn gặp mặt ở một nhà hàng hạng sang ven biển Đông. Anh a-lô mời tôi cùng ghé lại để lai rai và chuyện trò cùng bạn anh cho vui. Bữa tiệc hôm đó có món bào ngư. Thật tình lâu nay cả anh Vỹ và tôi chỉ mới nghe tên con bào ngư chứ chưa từng được thưởng thức nó bao giờ bởi bào ngư là một loại hải sản quý hiếm, đắt tiền nên thường chỉ có trong thực đơn của những nhà hàng sang trọng... Sau khi bóc ăn con bào ngư đầu tiên, anh đưa chiếc vỏ lên trước mặt săm soi với con mắt nhà nghề, rồi ghé tai tôi nói nhỏ: "Có thêm việc làm rồi đây!". Chơi với nhau đã lâu, tôi biết bản tính của Lê Nguyên Vỹ. Thường thì anh "dễ dãi" với những người xung quanh, nhưng lại rất "khó tính" về mặt nghệ thuật và chữ nghĩa. Một khi đã có ý tưởng là anh quyết làm cho bằng được, cho dù tốn rất nhiều thời gian và công sức, tiền bạc. Kết thúc buổi gặp nhau hôm đó, trong khi người bạn thanh toán hóa đơn, anh hỏi nhân viên phục vụ: "Vỏ bào ngư này làm gì?", nhân viên đáp: "Bỏ vào sọt rác đem lia bác ạ!". "Vậy cho... xin được không?". Ôi, tất nhiên là được rồi. Thế là những chiếc vỏ bào ngư theo anh về nhà. Những ngày tiếp theo là những ngày Vỹ trắng đêm không ngủ. Trong đầu anh luôn vang lên câu hỏi làm sao để cho ảnh màu bám dính bền vững, cân đối trong lòng chiếc vỏ bào ngư vừa không bằng phẳng, lại vừa trơn trượt. Sau nhiều tuần, anh bảo sắp thành công rồi. Tôi mừng cho anh, nhưng cũng chưa ngắm được cái sự thành công đó như thế nào. Vỹ bảo, hãy còn bí mật, sản phẩm sẽ được hoàn thiện tiếp trong những ngày tới.
Rồi một buổi chiều hẹn nhau ngồi ở quán cóc ven biển, vừa lai rai vừa đón gió ngắm trời, vừa chuyện trò thiên địa, tôi được ngắm nhìn hình ảnh đầu tiên là chân dung người được đặt trong lòng chiếc vỏ bào ngư một cách hài hòa và rõ ràng về màu sắc. Nền xà cừ của vỏ bào ngư "in" hình ảnh như có hào quang. Tôi bảo đùa sẽ viết bài giới thiệu về sản phẩm mới này để kiếm tiền uống cà-phê. Anh nói, khoan vội vì vẫn còn điều gì đó chưa ổn phải cần thêm thời gian để hoàn thiện. Trước khi hoàn thiện được sản phẩm, anh phá hỏng rất nhiều chiếc vỏ bào ngư. Để tìm nguồn cung cấp, anh lên mạng hỏi mua. Nhiều người thu gom mỗi nơi một ít chuyển bán cho anh. Trong chuyện mua vỏ bào ngư anh cũng bị một "cú lừa" đau điếng. Chuyện là, một gã nào đó ở Khánh Hòa gọi sẽ bán cho một lượng vỏ bào ngư kha khá, giá cả "dễ chịu". Điều kiện phải chuyển trước mấy triệu đồng để có tiền đi lại thu gom và làm cước phí chuyển hàng. Sau khi gửi tiền qua tài khoản, nhiều ngày tiếp theo anh gọi thì chỉ nghe... ò...í...e. Đã vậy, anh còn hồn nhiên bảo chắc người ta túng thiếu quá nên mới làm chuyện mất niềm tin như thế. Tôi chưa thấy ai như anh!
Trong lần gặp tiếp theo không lâu sau đó, anh bảo chừ muốn viết gì cứ viết và cho tôi xem một sản phẩm vừa hoàn thiện. Tôi cầm chiếc vỏ bào ngư trên tay và ngắm nghía hình ảnh lấp lánh bên trong chiếc vỏ. Lần này, anh đã làm sạch được màu ngoài nâu đen, xám xịt của chiếc vỏ để ánh sáng có thể "thẩm thấu" được qua lớp vỏ bào ngư tạo ra sự cộng hưởng huyền ảo về màu sắc và hình ảnh.
Mai Hữu Phước