Lê Thị Mây và những vần thơ nao lòng người

Thứ bảy, 25/10/2014 10:35
 

(Cadn.com.vn) - 1. Nhắc đến nhà thơ Lê Thị Mây tôi cứ nhớ mãi hình ảnh người bạn gái lúc nào cũng cúi xuống máy chữ, lạch cạch cặm cụi sửa đi sửa lại từng câu thơ cho đến khi thành hình. Bạn bè đến chơi, ngồi nghêu ngao hơi lâu là Mây nhấp nhổm vì tiếc thời gian. Khi nào tôi ghé thăm cũng thấy Mây đang  ngồi bên máy chữ. Nhiều đêm trực cơ quan về khuya, đi ngang Liễu Quán thấy phòng Mây vẫn sáng đèn. Tôi phục khả năng lao động văn chương quyết liệt như thế. Cánh làm thơ đàn ông chúng tôi hứng lên thì ngoáy vài câu vào vỏ bao thuốc lá, còn lại suốt ngày thường rủ nhau ra quán cóc bên sông Hương uống “thuốc rầy” suông (chúng tôi gọi rượu gạo ngày ấy) cho đến khi ngất ngưởng.

Người bạn gái cùng tuổi Kỷ Sửu ấy không bao giờ chịu rời phòng viết. Ấy là những năm 80 của thế kỷ trước, Lê Thị Mây ở Huế, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên, rồi Sông Hương. Hồi đó Mây ở một phòng trong khuôn viên Văn phòng Hội ở 26-Lê Lợi, Huế, rồi sau chuyển sang nhà sáng tác Liễu Quán. Chị đã có thơ về căn phòng ấy:  Với căn phòng trong quán cà-phê/ Tôi chịu đựng nắng trần bê-tông tầng thấp/Tháng mưa Huế bốn bức tường ngấm nước... Gần 20 năm cùng sinh hoạt Hội ở Huế, tôi có rất nhiều kỷ niệm về Lê Thị Mây. Lê Thị Mây tên thật là Phạm Tuyết Bông, có hai quê, quê nào cũng rất cật ruột.

Năm 1993, Hội Văn nghệ Quảng Trị ra Cửa Việt bộ mới, nhà văn Xuân Đức, lúc đó là Giám đốc Sở Văn hóa và Chủ tịch Hội Văn nghệ đã đích thân vào Huế mời Lê Thị Mây ra làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, rồi sau đó lên Tổng biên tập Cửa Việt, vì chị quê gốc Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Còn trong sách “Các nhà văn Việt Nam hiện đại Quảng Bình” lại xếp Lê Thị Mây vào danh sách “nhà văn Quảng Bình”. Điều đó cũng rất đúng vì chị sinh ra ở Bảo Ninh, Đồng Hới, mảnh đất “dọc bờ sông trắng nắng chang chang” (Hàn Mặc Tử).

2. Nói đến Lê Thị Mây là nói đến nỗi buồn. Nỗi buồn đau do chiến tranh và số phận ấy đã thành sẹo trong thơ chị, nó làm nên hình hài và ruột gan thơ chị. Ngồi buồn cầm hết mông lung/ Vết thương năm cũ thủy chung dễ gì. Năm 17 tuổi, học hết phổ thông, Lê Thị Mây gia nhập TNXP hoạt động ở vùng miền Tây Quảng Bình. Hiện chị còn giữ cuốn nhật ký ghi lại những ngày ở Troóc, một vùng rừng Trường Sơn rất sôi động như là một chứng tích đời mình. Chị kể: "Vừa rời nách mẹ mới 200 ngày đêm, bọn Mỹ đã bẻ gãy tuổi  17 của tôi bằng trận bom đầu tiên khi chúng ra miền Bắc... Vết bom xuyên sâu vào mặt tôi, làm dị dạng gương mặt sắp đón nhận tuổi 20...".

Tuổi  20 đẹp đẽ của chị cũng đã mang nỗi đau chia ly. Người yêu đầu tiên, một bác sĩ quê ở xứ Quảng đã chia tay chị đi B. 3 năm sau chị hay tin anh hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Có lẽ đó là mối tình đầu đau xót của Lê Thị Mây khởi đầu cho những nỗi buồn đi qua đời chị. Ở TNXP, Phạm Tuyết Bông đã làm những bài thơ đầu tiên chép vào một cuốn sổ nhỏ. Năm 1972, khi rời đơn vị TNXP về làm quản lý bếp ăn 600 học sinh ở Trường y tế tỉnh, Bông đã mạnh dạn tìm đến nhà thơ Xuân Hoàng, lúc đó là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình.

Trong hồi ký Âm vang thời chưa xa (tập II), Xuân Hoàng kể rằng, không biết làm thế nào Bông xin được lá thư viết tay của ông Cổ Kim Thành, là Bí thư Tỉnh ủy, một người cũng hay làm thơ, gửi cho Xuân Hoàng, giới thiệu: "Đây là cô Bông, rất thích viết văn, cô ấy có nguyện vọng chuyển sang chỗ các anh, anh xét thấy nếu cô ấy có khả năng thực sự  thì nhận về giúp đỡ, bồi dưỡng”. Xuân Hoàng hỏi: "Bông yêu văn nghệ, nhưng đã có sáng tác nào chưa ?”. Bông đã chuẩn bị sẵn cuốn sổ thơ trong túi liền lấy ra đưa cho nhà thơ. Xuân Hoàng đọc qua vài ba bài, thấy thơ “thật thà và sơ lược như thơ chung gửi về Hội lúc đó”.

Nhưng có lẽ nhà thơ Xuân Hoàng nhận ra những câu chữ thơ của Bông dù “thật thà” cũng đã ánh lên chút hy vọng ở tương lai, liền nói: "Nếu cô biết đánh máy tôi sẽ nhận. Về đây, có không khí sáng tác và nhiều người sáng tác giỏi, cô sẽ có điều kiện học hỏi...”. Bông nhỏ nhẹ nhưng rất tự tin: "Em không biết đánh máy, nhưng học tại chỗ một thời gian thì có thể làm việc được”. Thế là Phạm Tuyết Bông trở thanh nhân viên đánh máy chữ và  làm hành chính tạp vụ của Hội Văn nghệ Quảng Bình. Thời gian sau, Hội văn nghệ Quảng Bình nhận thêm một cô gái làm thơ  nữa là Lâm Thị Mỹ Dạ. Mỹ Dạ trắng trẻo, nhỏ nhắn, từ quê đồng chiêm Lệ Thủy mới lên tỉnh nên rất rụt rè, gặp Phạm Tuyết Bông chững chạc, từng trải hơn liền “một chị Bông hai chị Bông”.

Sau này biết Bông cùng tuổi với mình, Lâm Thị Mỹ Dạ đề nghị đổi lại cách xưng hô nhưng Bông không chịu. Đến bây giờ Dạ vẫn gọi Bông là chị. Năm sau, Bông và Dạ được cho đi học lớp Bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội. Đi học về, Phạm Thị Bông có bút danh mới là Lê Thị Mây. Theo Xuân Hoàng thì cái tên Mây có liên quan đến hai chữ bông và mây trong  câu ca dao của Ngô Văn Phú mà thời đó cô thường hay đọc: "Trên trời mây trắng như bông /Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây".

3. Như bao người con gái bình thường lớn lên, Lê Thị Mây luôn mơ đến một người yêu, một tấm chồng, một gia đình, những đứa con... Khát vọng đó cháy bỏng, nhức nhối, kết tủa trong thơ chị. Đó là  phút hẹn nhau mà chàng không đến: Nỡ nào bứt cọng cỏ xanh/ Đau em chợt trút cho thành đau cây (Những mùa trăng mong chờ); đó là khát khao Kim chỉ vá may quần áo cho chồng, cho con: Áo sờn mảnh vá người chê/ Bây giờ tôi vá dầm dề gió mưa; Nhưng những câu thơ làm nao lòng người ấy là những vết sẹo của nỗi chờ mong thăm thẳm. Còn đường tình duyên của chị lại quá nhiều trắc trở. Nhà thơ mong chờ mười năm, hai mươi năm, mong chờ qua thời con gái...

Đến nay Lê Thị Mây đã xuất bản  20 tác phẩm thơ văn; được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam về tập thơ Riêng tặng một người (1990) và tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho truyện dài Huyết ngọc (1998). Chị có bài thơ nổi tiếng “Những mùa trăng mong chờ” được chọn vào 100 bài thơ hay nhất thế kỷ. Có lẽ Lê Thị Mây sinh ra vì thơ, cho thơ. Chị đã lao động cật lực, để ghi tên mình vào  danh sách  những cây bút nữ xuất  sắc nhất của làng thơ Việt thế kỷ XX, như mơ ước của chị từ khi là cô TNXP, cô cấp dưỡng ở Trường y Quảng Bình tuổi 20.

Ngô Minh