Lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Lee Myung-bak và mối nguy an ninh quốc phòng

Thứ ba, 27/03/2018 12:20

Tòa án trung tâm Seoul hôm 23-3 đã phát lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak về tội nhận hối lộ, tham ô, trốn thuế và các tội danh khác. Tuy nhiên, điều khiến những người ủng hộ ông thất vọng nhất là những cáo buộc cựu tổng thống đã lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân bất chấp lợi ích an ninh quốc phòng trong suốt thời gian tại nhiệm. Đặc biệt sau khi Tổng thống Moon Jae-in phát động chiến dịch “nhổ tận gốc nạn tham nhũng kéo dài” tại Hàn Quốc, những cáo buộc tham nhũng nhằm vào cựu Tổng thống Lee Myung-bak càng được chú ý nhiều hơn.

Cựu Tổng thống Lee Myung-bak rời khỏi Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul hôm 15-3.   Ảnh: Yonhap

Thỏa thuận bí mật với UAE

Chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak đã thắng thầu 18,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong năm 2009, sự kiện được đánh giá là một trong những thành tựu lớn nhất của ông Lee.

Tuy nhiên, để có thể chiến thắng gói thầu này, ông Lee cũng ký một thỏa thuận quân sự bí mật với UAE. Được biết, thỏa thuận này được ký mà không hề có sự chấp thuận của Quốc hội và vi phạm các quy định của luật pháp có liên quan. Thỏa thuận này buộc Hàn Quốc phải can thiệp để hỗ trợ UAE trong trường hợp có xung đột quân sự, Seoul có nghĩa vụ không chỉ cung cấp trang thiết bị quân sự mà còn phải gửi quân đội đến để bảo vệ UAE. Sự tồn tại của thỏa thuận kinh tế-quân sự trên mới đây đã được cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Lee xác nhận, khiến nhiều người dân Hàn Quốc tức giận.

Quan hệ bí mật với các tập đoàn

Một cáo buộc khác liên quan tới các mối quan hệ bí mật của Tổng thống Lee với các tập đoàn. Chẳng hạn Lotte, tập đoàn bán lẻ khổng lồ ở Hàn Quốc, từ lâu đã mong muốn xây dựng tòa nhà chọc trời cao nhất Hàn Quốc tại Seoul. Tuy nhiên, vì kiến trúc này sẽ nằm trên đường bay của máy bay chiến đấu tiếp cận căn cứ không quân Seongnam, nên Không quân Hàn Quốc đã phản đối việc xây dựng này.

Các chính quyền Hàn Quốc trước đây luôn luôn ưu tiên cho quân đội, khiến giấc mơ của Lotte bị trì hoãn trong suốt 15 năm. Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Lee, kế hoạch xây nhà chọc trời này đã cất cánh. Thay vì ngăn cản việc xây dựng, chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak đồng ý điều chỉnh một góc đường băng quân sự. Kể từ đó, tin đồn về giao dịch bí mật giữa ông Lee và tập đoàn Lotte đã nở rộ. Mặc dù cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, song các tài liệu của chính phủ được công bố đã phần nào chứng minh tính xác thực của những tin đồn về mối quan hệ giữa cựu Tổng thống Lee và tập đoàn Lotte.

Biển thủ quỹ tình báo

Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, Bộ Tư lệnh Mạng thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thuê 79 sĩ quan liên quan đến quân sự, 47 người trong số đó thuộc đơn vị chiến tranh tâm lý. Bộ Tư lệnh Mạng được thành lập để đối phó với cuộc tấn công không gian mạng của Triều Tiên. Tuy nhiên, các đơn vị này đã lợi dụng các ý kiến công chúng để ủng hộ ứng cử viên đảng bảo thủ, bà Park Geun-hye, và phỉ báng đối thủ đảng tự do là ông Moon Jae-in. Trong thời gian đó, ông Lee trực tiếp đạo diễn các thao tác bí mật và các hoạt động phỉ báng này.

Ngoài ra, các công tố viên Hàn Quốc cũng cáo buộc cựu Tổng thống Lee Myung-bak làm tê liệt năng lực của tình báo Hàn Quốc. Ông Lee bị cáo buộc chiếm đoạt 100.000 USD từ các quỹ vốn được phân bổ cho các hoạt động liên quan tới Triều Tiên của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc.

Cựu Tổng thống Lee Myung-bak cho đến nay vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc nhằm vào mình, đồng thời cho rằng, cuộc điều tra nhằm vào ông mang mục đích chính trị. Tuy nhiên, dường như phần lớn người dân Hàn Quốc không còn tin tưởng cựu Tổng thống Lee nữa, khoảng 75% người dân ủng hộ việc bắt giữ ông. Từ lâu, người dân vẫn tin tưởng vào đảng bảo thủ, mặc dù tham nhũng nhưng vẫn nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia, trong khi các đảng tự do quá lơi lỏng trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, với cáo buộc cựu Tổng thống Lee Myung-bak đã gây ra mối nguy đối với an ninh quốc gia, những niềm tin truyền thống đang nhanh chóng biến mất.

AN BÌNH (Theo Diplomat)

Hàn Quốc thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp

Chính phủ Hàn Quốc thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp tại phiên họp Nội các vào ngày 26-3 do Thủ tướng Lee Nak-yon chủ trì trước khi trình dự thảo này lên Quốc hội để xem xét phê chuẩn, trong bối cảnh đảng đối lập chính của nước này cam kết làm mọi thứ có thể để ngăn cản kế hoạch trên.

Nga sau khi được chính phủ thông qua, Tổng thống Moon Jae-in ký đề xuất của chính phủ về việc sửa đổi hiến pháp, trở thành vị nguyên thủ đầu tiên của Hàn Quốc thực hiện điều này trong suốt gần 4 thập kỷ qua. Đề xuất được ký thông qua đường điện tử do nhà lãnh đạo này đang thực hiện chuyến thăm chính thức Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Sau đó, đề xuất sẽ được trình lên Quốc hội và cơ quan lập pháp này sẽ có 60 ngày để xem xét và bỏ phiếu. Nếu được thông qua, việc này sẽ được đưa ra để trưng cầu ý dân trên toàn quốc đồng thời với các cuộc bầu cử địa phương dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13-6 tới.

T.N