Lệnh trừng phạt Triều Tiên thất bại ở Châu Phi, vì sao?

Thứ ba, 12/12/2017 11:47

Dù 8 lần hứng chịu lệnh trừng phạt từ LHQ, chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn tăng tốc trong những năm vừa qua. Thực tế từ các vụ thử hạt nhân và tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng cho thấy, các biện pháp trừng phạt chưa thể hiện tác động như dự đoán, và ở một số khu vực, mối liên hệ chặt chẽ với Triều Tiên đe dọa tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt này.

Một công trình Triều Tiên xây dựng ở Namibia.     Ảnh: CNN

Nhiều nước Châu Phi có mối liên hệ với Triều Tiên trong nhiều thập kỷ. Việc thiếu cơ chế thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ và động lực năng lượng toàn cầu liên quan đến châu lục này giải thích tại sao các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên lại thất bại ở Châu Phi. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi Bình Nhưỡng hy vọng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vì Bắc Kinh ngày càng có động thái bắt đầu thực hiện các lệnh trừng phạt.

Theo nhiều báo cáo, kim ngạch thương mại giữa Triều Tiên và các nước Châu Phi đạt mức trung bình khoảng 216,5 triệu USD/năm trong giai đoạn 2007-2015. Thỏa thuận xây dựng với các nước chiếm một phần đáng kể trong số tiền này, chủ yếu là thông qua một doanh nghiệp nhà nước Triều Tiên có tên Mansudae. Tuy nhiên, mối quan hệ không dừng lại ở lĩnh vực xây dựng. Báo cáo của LHQ công bố hồi tháng 9 cáo buộc Tanzania và Mozambique ký hợp đồng hỗ trợ hệ thống tên lửa không quân của các nước này với Bình Nhưỡng. Triều Tiên cũng xây dựng các nhà máy sản xuất vũ khí ở một số nước trong khi giúp huấn luyện quân sự cho một số nước khác, cả hai đều vi phạm rõ lệnh trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên, bao gồm các hạn chế thương mại và cấm vận vũ trang, nhằm mục đích tạo ra áp lực về kinh tế để buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân. Mặc dù phạm vi và cường độ của các biện pháp trừng phạt tăng lên qua nhiều năm, nhưng ảnh hưởng của chúng đối với việc làm tê liệt chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không thành công. Mặc dù LHQ đang điều tra các vi phạm có thể xảy ra đối với 7 nước Châu Phi, nhưng năm ngoái chỉ có 15% số thành viên của LHQ tại lục địa này tuân thủ yêu cầu báo cáo.

Mặc dù các quốc gia thành viên của LHQ phải tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ, nhưng không có cơ chế thực thi chính thức buộc các quốc gia phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt. Cơ cấu này cho phép các nước Châu Phi tiếp tục các cam kết của họ với Triều Tiên. Để đối phó với cáo buộc của LHQ rằng họ đã vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, Namibia cam kết cắt đứt quan hệ thương mại. Tuy nhiên, theo Ủy ban Chuyên gia LHQ về Triều Tiên, một số nước, trong đó có Namibia, đã không chính thức trả lời yêu cầu của ủy ban này. Các cơ chế tại chỗ không thể đảm bảo chắc chắn về mức độ tương tác với Bình Nhưỡng. LHQ cũng không thể thực hiện chế tài bằng cách cắt viện trợ nhân đạo vì các biện pháp này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với công dân vô tội của các quốc gia này.

Các biện pháp trừng phạt phát huy tác dụng thông qua áp lực chính trị và cô lập về kinh tế. Tuy nhiên, do lịch sử lâu dài của Triều Tiên về sự hiện diện và cam kết ở Châu Phi, và những thiếu sót trong vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ ở lục địa này, cho đến nay, các biện pháp trừng phạt đã không thể thực hiện nhằm cô lập Triều Tiên với lục địa này. Trong những năm 1960 khi một số quốc gia Châu Phi đang phải vật lộn để thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, Triều Tiên đã đầu tư thời gian và tiền bạc vào cuộc cách mạng của họ. Do đó, Bình Nhưỡng đã xây dựng được ảnh hưởng, đặc biệt là ở khu vực Châu Phi hạ Sahara. Ảnh hưởng này đã tồn tại cho tới ngày nay.

Sự hiện diện của Triều Tiên trong khu vực đi cùng với sự thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ. Mức cam kết của Mỹ  ở Châu Phi đã thấp đi trong vài năm qua. Với những cắt giảm ngân sách gần đây, giảm 30% viện trợ nhân đạo, các quốc gia Châu Phi có thể ghi nhận sự thay đổi chính sách của Mỹ. Và mặc dù Tổng thống Trump kêu gọi các nhà lãnh đạo Châu Phi cùng đứng ra thực hiện lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nhưng khả năng có thể thay đổi hành vi của các nước này là không rõ ràng.

Mặc dù một số chuyên gia cho rằng, các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên sẽ không đạt được mục đích bởi vì Bình Nhưỡng sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân của họ dù nền kinh tế có bị ảnh hưởng như thế nào đi chăng nữa. Các biện pháp trừng phạt của LHQ chỉ hoạt động tốt hơn khi có nhiều quốc gia tuân thủ. Cho đến nay, những điểm yếu trong chế độ trừng phạt và thiếu động cơ chính trị để cưỡng chế đã cho phép các quốc gia Châu Phi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Triều Tiên đạt được mục đích. Để giải quyết sự chậm trễ này, LHQ và Mỹ cần tìm cách khuyến khích các nước Châu Phi tuân thủ các biện pháp trừng phạt, cụ thể bằng cách giảm sự phụ thuộc vào  Triều Tiên và chứng tỏ vai trò của Mỹ đối với tương lai của châu lục này.

AN BÌNH

 

Hàn Quốc kêu gọi lập đường dây liên lạc với Triều Tiên

Ngày 11-12, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho rằng cần phải thiết lập các đường dây liên lạc có hiệu quả với Triều Tiên nhằm truyền tải thông điệp thống nhất của cộng đồng quốc tế kêu gọi nước này phi hạt nhân hóa.

Phát biểu tại một diễn đàn quốc tế về việc xây dựng một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân do Viện Đối ngoại và An ninh Quốc gia tổ chức, bà Kang nêu rõ: "Việc theo đuổi tạo lập các kênh liên lạc hiệu quả để truyền tải thông điệp của cộng đồng quốc tế tới nước Triều Tiên". Theo bà điều cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là phải thực hiện việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán giữa Hàn-Triều, cũng như thiết lập đường giây nóng giữa giới chức quân sự hai nước.

B.N