LHQ bắt đầu đàm phán cấm vũ khí hạt nhân: Không nhiều hy vọng
(Cadn.com.vn) - Các cường quốc hạt nhân gồm Anh, Pháp, Israel, Nga và Mỹ đều phản đối lệnh cấm vũ khí hạt nhân (VKHN) trong khi Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan bỏ phiếu trắng.
Ngày 28-3 (giờ Việt Nam), hơn 100 quốc gia khởi động các cuộc đàm phán đầu tiên của LHQ nhằm đi đến lệnh cấm VKHN, trong bối cảnh Mỹ dẫn đầu chiến dịch tẩy chay của hàng loạt cường quốc về tiến trình mà Washington xem là “không thực tế”.
Trước khi hội nghị bắt đầu tại New York, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley mạnh mẽ bác bỏ việc cấm VKHN, viện dẫn các mối đe dọa an ninh, khủng bố toàn cầu hiện nay. “Là một người mẹ và một người con, tôi không muốn gì nhiều hơn cho gia đình ngoài một thế giới không có VKHN”, bà Haley nói trước đại diện khoảng 20 quốc gia đồng minh của Mỹ cũng tẩy chay cuộc đàm phán gồm Anh, Pháp, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Đông Âu.
Tuy nhiên, bà cho rằng, “chúng ta phải thực tế”. “Có ai tin Triều Tiên sẽ nhất trí với lệnh cấm VKHN hay không”, bà nhấn mạnh. Đại sứ của Nga và Trung Quốc cũng không có mặt tại phiên họp trên của LHQ. Bà Haley ước tính “khoảng 40 quốc gia” không tham gia vòng đàm phán trên.
Đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) về kho dự trữ VKHN của các nước trên thế giới. Ảnh: AFP |
Kế hoạch thúc đẩy nhằm đạt được một lệnh cấm VKHN mang tính ràng buộc được 123 thành viên LHQ đưa ra hồi tháng 10-2016. Họ cho rằng, đây là thỏa thuận cần thiết trong bối cảnh mối đe dọa từ thảm họa VKHN đang gia tăng do những căng thẳng chương trình VKHN của Triều Tiên và một chính quyền mới không thể đoán định ở Washington. Vòng đàm phán lần này dự kiến kéo dài đến hết ngày 31-3 và vòng đàm phán tiếp theo được lên kế hoạch trong tháng 6 và tháng 7 tới. Các quốc gia rất tâm huyết cho vấn đề này gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển và họ được hàng trăm tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phía sau.
Nhưng hy vọng về một lệnh cấm có hiệu quả là rất mong manh. Các cường quốc hạt nhân gồm Anh, Pháp, Israel, Nga và Mỹ đều phản đối lệnh cấm VKHN trong khi Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan bỏ phiếu trắng. Ngay cả Nhật Bản – quốc gia duy nhất bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào năm 1945, cũng bỏ phiếu phản đối bàn đàm phán này.
Tokyo lo ngại, mâu thuẫn giữa các nước có thể làm suy yếu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân đang rất hiệu quả. Đại sứ Nhật Bản Nobushige Takamizawa đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ để giải thích lý do “quay lưng” đầy bất ngờ này của Tokyo: “Những nỗ lực đi đến một thỏa thuận mà không có sự tham gia của các quốc gia sở hữu VKHN chỉ càng gây chia rẽ và mâu thuẫn trong cộng đồng quốc tế”.
Nhiều chuyên gia quân sự cũng có những lo ngại như Nhật Bản. Trên thực tế, kể từ khi Hiệp ước Không phổ biến VKHN (NPT) có hiệu lực vào năm 1968, Nga – quốc gia sở hữu kho VKHN lớn nhất thế giới – đã giảm được số lượng lớn VHKN. Trong khi đó, theo Đại sứ Haley, Mỹ đã giảm khoảng 85% kho VKHN của mình.
Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó đề ra chính sách nỗ lực giảm kho VKHN và cuối cùng loại bỏ chúng. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay khuyến khích các đồng minh NATO bỏ phiếu chống lại cuộc đàm phán trên của LHQ, nói rằng, lệnh cấm VKHN sẽ cản trở nỗ lực hợp tác để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ các kẻ thù. Tổng thống Trump thậm chí từng cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong bài viết trên Twitter trước khi nhậm chức vào tháng 1. “Chúng ta (Mỹ) sẽ vượt trội hơn họ và vượt lên họ”, ông Trump viết.
Khả Anh