LHQ khủng hoảng cứu trợ tại Syria

Thứ ba, 24/12/2013 16:59

(Cadn.com.vn) - Cuộc nội chiến Syria vẫn chưa vượt qua thế bế tắc trong bối cảnh lại nổi lên vấn đề đáng quan ngại khác: khủng hoảng cứu trợ.

Trong nhiều tháng qua, đoàn xe LHQ và các cơ quan cứu trợ khác không thể cung cấp thực phẩm hoặc chăm sóc y tế cho nhiều khu vực ngoại ô thủ đô Damascus, nơi có hàng trăm trẻ em đang nằm dài chờ chết.

Ben Parker, người điều hành Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA) tại Syria cho biết, “Theo quan điểm chính thức của chính phủ Syria, các tổ chức nhân đạo được phép đi bất cứ nơi nào, thậm chí trên bất kỳ mặt trận nào. Nhưng mọi hoạt động đều bị giới hạn về thời gian. Giao tranh và các nhóm nổi dậy cũng là những trở ngại”.

HĐBA LHQ từng đưa ra một yêu cầu chính thức bắt buộc các nhà chức trách Syria cho phép các cơ quan viện trợ đi vào khu vực ngoại ô Damascus và thành phố cổ Homs, nơi các bác sĩ địa phương cho biết trẻ em đang chết vì suy dinh dưỡng.

Tuy nhiên, chia rẽ giữa các cường quốc Phương Tây, vốn ủng hộ quân nổi dậy, và Nga, làm tê liệt hoạt động cứu trợ kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào năm 2011. Kết quả là, chính phủ Damascus từ chối cấp thị thực cho nhân viên nước ngoài hoặc cản trở những nỗ lực giúp hàng triệu người tại nước này.

Tại trại tị nạn dành cho người Syria ở thành phố Mafraq, Jordan. Ảnh: Reuters

Quá nhiều áp lực

Theo ông Parker, hoạt động cứu trợ là “con ngựa thành Trojan”, vừa phải tiếp cận với chính phủ, vừa liên lạc với phe đối lập và tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế nhằm can thiệp quân sự. Nhiều người đề nghị, họ nên lớn tiếng hơn.

Tuy nhiên, các nhân viên cứu trợ dẫn trường hợp một giám đốc cơ quan viện trợ của LHQ phải rời khỏi Damascus vào năm ngoái sau khi xung đột với các quan chức Syria về việc tiếp cận để phân phối viện trợ.

Syria không chấp nhận gia hạn thị thực cho ông này. Ủy ban Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết, cả hai bên chặn viện trợ y tế cho các bệnh nhân và người bị thương. “Chúng tôi thất bại trong việc đẩy mạnh các hoạt động y tế tại Syria, thậm chí còn thấp hơn mong đợi. Cả hai bên đều cho rằng chúng tôi hỗ trợ quân sự gián tiếp cho phía bên kia”, Chủ tịch ICRC Peter Maurer cho biết.

Trong khi đó, người dân Syria tại các khu vực không nhận được sự trợ giúp nói rằng, họ cảm thấy bị bỏ rơi và đổ lỗi cho các cường quốc thế giới không chỉ mở rộng cuộc chiến vốn giết chết hơn 100.000 người bằng cách ủng hộ các bên tham chiến mà còn làm ngơ trước nỗi khổ của dân thường.

Nạn nhân là trẻ em

Các hoạt động đối lập ghi lại cảnh nhiều trẻ em chết vì suy dinh dưỡng. Hồi tháng 9, một cảnh quay cho thấy, bé Rana Obeid, 1 tuổi, xương sườn nhô ra và bụng sưng lên. Các bác sĩ cho biết, cô bé là đứa trẻ thứ 6 chết vì suy dinh dưỡng ở Mouadamiya.

LHQ cho biết 2,3 triệu người tị nạn rời khỏi đất nước, góp thêm những đau khổ của cuộc chiến tranh vào các nước láng giềng, trong khi 9,3 triệu người bên trong Syria cần sự giúp đỡ. 2 triệu trong số này ở các khu vực khó tiếp cận. Năm 2013, LHQ chi 1,41 triệu USD cho công tác cứu trợ ở Syria, chỉ đạt 62% mục tiêu đề ra. Giám đốc nhân đạo của LHQ Valerie Amos hy vọng sẽ nhận được nhiều kinh phí hơn trong năm 2014.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số 91 bệnh viện công lập ở Syria, 36 không hoạt động và 22 bị hư hỏng, trong khi gần một nửa số xe cứu thương bị đánh cắp, bị cháy hoặc bị hư hỏng. Ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước bị ngưng hoàn toàn.

An Bình

(Theo Reuters)