LHQ mạnh tay trừng phạt Triều Tiên

Thứ hai, 07/08/2017 12:08

Ngày 6-8, HĐBA LHQ nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên nhằm loại bỏ các nguồn thu nhập chính từ xuất khẩu của nước này sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp thử 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa trong tháng 7.

Cuộc họp của HĐBA LHQ hôm 5-8. Ảnh: Yonhap

Triều Tiên mất 1 tỷ USD

Các biện pháp trừng phạt được đưa ra trong Nghị quyết 2371 sẽ làm sụt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD hàng năm, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản.

Nghị quyết này cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài hiện nay, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với quốc gia bị cô lập này. Nghị quyết cũng bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, trong đó có một ngân hàng chủ chốt, buộc họ phải chịu sự đóng băng tài sản toàn cầu và bị cấm đi lại. 

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết, các biện pháp trừng phạt mới đưa các hình phạt đối với hoạt động tên lửa đạn đạo của Triều Tiên lên một tầm cao mới. "Nghị quyết này là gói trừng phạt kinh tế lớn nhất từng được áp dụng đối với Triều Tiên", bà Haley cho biết.

Hàn-Mỹ thảo luận song phương về vấn đề Triều Tiên

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson ngày 6-8 có cuộc hội đàm song phương tại Manila, Philippines để bàn về những nỗ lực nhằm đối phó với các mối đe dọa do chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên gây ra.

Theo Yonhap, tại cuộc hội đàm này, được tổ chức bên lề các hội nghị cấp ngoại trưởng của ASEAN, hai bên gọi việc HĐBA ngay trước đó đã thông qua các biện pháp trừng phạt Triều Tiên là "một kết quả rất tốt".  Bà Kang cũng bày tỏ cảm ơn Mỹ về những cuộc tham vấn với Hàn Quốc trong tiến trình thông qua nghị quyết này, còn ông Tillerson thì trả lời rằng sẽ bàn tiếp khi được hỏi về những việc có thể sẽ được thực hiện thêm sau khi có nghị quyết trên.

Nga, Trung đồng thuận

Cuộc đàm phán về nghị quyết mới bắt đầu sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên hôm 4-7. Trong vụ thử thứ hai hôm 28-7, Mỹ đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt với Trung Quốc, đồng minh và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên. Bất chấp sự phản đối ban đầu, Nga cũng đã thông qua nghị quyết này.

Sự đồng thuận của Trung Quốc và Nga là rất quan trọng vì họ là 2 trong số 5 thành viên có quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ. Bà Haley cảm ơn Trung Quốc vì "những đóng góp quan trọng" trong việc đưa ra nghị quyết mới. Tuy nhiên, bà lưu ý, cộng đồng quốc tế phải cùng nhau gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng. Bà Haley cho rằng, lệnh trừng phạt Triều Tiên vừa được thông qua dù mạnh nhưng vẫn chưa đủ. "Chúng ta không nên ảo tưởng tin rằng vấn đề đã được giải quyết. Mối đe dọa của một chế độ Triều Tiên hạt nhân hóa vẫn còn đó... và đang nhanh chóng trở nên nguy hiểm hơn", bà Haley nhấn mạnh trước các thành viên HĐBA sau cuộc bỏ phiếu.

Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Cho Tae-yul hoan nghênh nghị quyết, nói rằng, Bình Nhưỡng phải gánh chịu hậu quả nếu vi phạm các quyết định mới này. Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết cho biết, nghị quyết không có ý làm hại người dân Triều Tiên đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hoạt động làm tăng thêm căng thẳng. Ông Lưu lên án việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Ông Lưu kêu gọi dừng ngay hoạt động này và Bình Nhưỡng cũng cần giảm các động thái có thể làm gia tăng căng thẳng. Đại sứ Nga Vasily Nebenzia cho biết các biện pháp trừng phạt là cách để buộc Bình Nhưỡng tham gia vào các cuộc đàm phán mang tính xây dựng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó đã tán dương Trung Quốc và Nga vì sự ủng hộ đối với dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhằm tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Tuyên bố của Nhà Trắng khẳng định: "Tổng thống Trump sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác để tăng cường áp lực ngoại giao và kinh tế lên Triều Tiên, nhằm chấm dứt hành vi đe dọa và gây mất ổn định của Bình Nhưỡng".

Trong khi đó, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6-8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, các lệnh trừng phạt là cần thiết để đối phó với Triều Tiên, nhưng đây không phải là mục đích cuối cùng, điều vẫn cần được giải quyết thông qua đàm phán. Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh lời kêu gọi trong nghị quyết của LHQ nhằm nối lại các cuộc đàm phán đã nêu bật rằng ngoại giao và hòa bình là cần thiết để ngăn ngừa căng thẳng. Ông Vương Nghị nói: "Sau việc thực hiện nghị quyết này, vấn đề bán đảo Triều Tiên sẽ đi vào trạng thái ổn định".   

AN BÌNH (Theo Yonhap)