Libya - đối thoại hay đối đầu

Thứ bảy, 02/07/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Các bên tham chiến ở Libya đang đứng trước những quyết định bước ngoặt: ngồi vào bàn đàm phán hay tiếp tục đối đầu quân sự.

Ngày 1-7, lực lượng nổi dậy ở Libya tuyên bố sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi thông qua biện pháp quân sự, song cũng khẳng định sẽ ngừng các hành động chống đối nếu nhà lãnh đạo lâu năm này từ bỏ quyền lực.

Theo AFP, khi được hỏi, cuộc xung đột sẽ kết thúc thông qua giải pháp chính trị hay quân sự, đại diện của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) thuộc phe nổi dậy, Mansour Safy Al-Nasr nói: “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận mọi tình huống. Nếu ông Gaddafi rút lui, chúng tôi sẵn sàng ngừng các hành động chống đối và đàm phán với những người anh em của mình đi theo ông Gaddafi. Nếu tăng cường hoạt động quân sự để bao vây thủ đô Tripoli, ông Gaddafi sẽ chấp nhận từ chức. Ông ấy đang bị cô lập trong boongke”. Tuy nhiên, phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Phi (AU) ở Malabo của Equatorial Guinea, ông Al-Nasr cho rằng, giờ chưa phải lúc phe nổi dậy rút lui, đồng thời không loại trừ khả năng đánh chiếm thủ đô Tripoli. Ông cũng bác bỏ tuyên bố hồi tuần trước của AU rằng, nhà lãnh đạo Gaddafi đã nhất trí đứng ngoài các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột.

 Những phiến quân mới được đào tạo của phe nổi dậy Libya. Ảnh: Reuters

Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Pháp vừa thừa nhận trang bị vũ khí cho phe chống đối lại ông Gaddafi. Bản thân phe nổi dậy cũng đang chờ đợi sự chi viện của phương Tây thông qua các vụ oanh tạc, cung cấp vũ khí, hoặc gửi các “cố vấn quân sự” đến Libya. Tuy nhiên, thông tin Pháp vũ trang cho phe nổi dậy có thể chỉ càng làm gia tăng mối bất hòa trong liên minh NATO về cuộc chiến vẫn đang bế tắc này. Một số nước, trong đó có Nga cho rằng, việc làm này của Paris là vi phạm nghiêm trọng “một nghị quyết của HĐBA LHQ, theo đó áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn diện đối với quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, Mỹ lại phản đối bình luận của Nga. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: “Chúng tôi tin rằng nội dung cả hai Nghị quyết 1970 và 1973 của HĐBA LHQ... đều không ghi cụ thể và không cấm cung cấp trang thiết bị phòng vệ cho phe đối lập Libya”.

Tiếp bước Pháp, Anh cũng đã bắt đầu chuyển áo giáp  đồng phục cảnh sát và thiết bị thông tin liên tạc tới cho phe chống chính phủ ở Libya. Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, những trang thiết bị đó sẽ giúp cảnh sát “thi hành phận sự một cách an toàn hơn và bảo vệ tốt hơn” các đại diện của phe đối lập cũng như nhân viên cứu trợ quốc tế trong khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng chống đối.

Ngay khi Mỹ mở chiến dịch quân sự tấn công Libya, các chuyên gia quốc tế đánh giá việc sử dụng vũ lực để hạ bệ ông Gaddafi không phải là nhiệm vụ quá khó khăn đối với một lực lượng hùng hậu của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, phương Tây đã nhầm. 103 ngày đã qua, nhưng ông Gaddafi vẫn tại nhiệm và thậm chí còn đưa ra những tuyên bố hùng hồn, trong đó có lời thề sẽ “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Vì vậy, thiết nghĩ, những giải pháp do phe nổi dậy đưa ra trên đây chắc chắn sẽ không được đại tá Gaddafi chấp nhận.

Trước tình hình này, các nước trong liên quân đều kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Cả Liên minh Châu Phi (AU) và Liên đoàn Arab (AL) – đã từng ủng hộ phương Tây tấn công quân sự Libya - đều cho rằng, một giải pháp chính trị là ưu tiên hiện nay cho cuộc chiến ở quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này. Bất kể khi nào cuộc chiến này sẽ kết thúc, các bên tham chiến đều nhận thức rõ ràng rằng, các giải pháp chính trị theo yêu cầu của NATO liên quan đến một số hình thức chia sẻ quyền lực tạm thời giữa phe nổi dậy và phe chính phủ là kế sách tối ưu cho Libya. Một mặt, đó là hậu quả tất yếu về sự sống còn của NATO trong các cuộc không kích khi liên minh này không muốn phát động một cuộc chiến tranh xâm lược trên bộ ở Libya. Mặt khác, phương Tây không muốn lặp lại những sai lầm của các cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ đứng đầu ở AfghanistanIraq.

Tuy nhiên, Libya không giống như Afghanistan hay Iraq. Sự khác biệt thể hiện ở chỗ nếu ông Gaddafi bị đánh bại thì vẫn chưa có một tầng lớp chính trị bản địa nào có khả năng bảo đảm cho Libya không rơi vào tình trạng vô chính phủ. Như vậy, sẽ chỉ có hai kịch bản hậu chiến tranh dành cho Libya: một là lực lượng nước ngoài sẽ tràn vào để cai quản Libya hoặc Libya sẽ là một “Somalia thứ hai”. Vì vậy, NATO và các bên liên quan cần cân nhắc kỹ các giải pháp đưa ra cho Libya.

Trúc Linh