“Liên minh” tham nhũng và tội phạm có tổ chức ở Bắc Phi
Tham nhũng ở Bắc Phi không chỉ đặt ra mối đe dọa cho nền kinh tế, mà còn làm suy yếu an toàn và an ninh của quốc gia.
Biểu tình chống tham nhũng ở Tunisia. Ảnh: ISS Today |
Vào ngày 17-12-2010, Mohamed Bouazizi, một người bán hàng rong ở Tunisia, đã đứng trước văn phòng thống đốc địa phương trong một nỗ lực tố cáo nạn tham nhũng và bất công. Hành động tuyệt vọng này của ông kích hoạt cuộc biểu tình Mùa xuân Arab. 8 năm sau, bất chấp những nỗ lực bền bỉ của chính phủ, tham nhũng ở Tunisia dường như còn lan mạnh hơn so với thời cựu Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali.
Xu hướng này được xác nhận bởi Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Năm 2010, Tunisia xếp hạng 59 trong số 178 quốc gia (thứ hạng càng cao, tình trạng tham nhũng trong khu vực công càng lớn). Một năm sau, con số này đã “leo lên” vị trí 73 và duy trì kể từ đó. Xu hướng này cũng tăng lên ở các nước Bắc Phi khác. Morocco xếp hạng 81, Algeria 112, Ai Cập 117 và Libya 172.
Mối liên hệ giữa các doanh nghiệp, chính trị gia và và băng nhóm tội phạm
Vào giữa năm 2017, Thủ tướng Tunisia Youssef Chahed đã tuyên bố cuộc chiến chống tham nhũng, dẫn đến các vụ bắt giữ và đóng băng tài sản của nhiều doanh nhân, chính trị gia, nhà báo, cảnh sát và nhân viên hải quan. Họ bị buộc tội tham nhũng hoặc các tội phạm khác, bao gồm buôn lậu và rửa tiền.
Trong số này, trường hợp của doanh nhân nổi tiếng Chafik Jarraya phơi bày mối liên hệ giữa các doanh nghiệp, chính trị gia và băng nhóm tội phạm, đồng thời cho thấy tình trạng tham nhũng của các quan chức đang thúc đẩy mối liên hệ này. Jarraya bị cáo buộc gầy dựng khối tài sản khổng lồ của mình nhờ buôn lậu. Hoạt động của y cũng có sự tham gia của các thành viên gia đình cựu Tổng thống Ben Ali. Theo các nhà chức trách, sau cuộc cách mạng tháng 1-2011, Jarraya đã tài trợ cho một số đảng chính trị trong khi vẫn duy trì mối quan hệ với các nhóm tội phạm và thậm chí là khủng bố ở Tunisia và Libya. Mối quan hệ này khiến y bị cáo buộc liên quan đến các thỏa thuận vũ khí với một nhân vật hàng đầu ở Libya, dẫn đến việc y bị bắt giữ theo đạo luật khẩn cấp năm 1978 về tội phá hoại sự toàn vẹn của Nhà nước.
Cùng lúc đó, lời khai hiếm hoi của một thành viên trong gia đình ông Ben Ali, Imed Trabelsi, được công bố. Lời khai cho thấy nạn tham nhũng và nhận hối lộ phổ biến trong cơ quan hải quan tạo điều kiện cho các hoạt động buôn lậu trên diện rộng. Điều này làm sáng tỏ cách thức tham nhũng tạo ra cơ hội cho việc buôn lậu rượu và đồng bất hợp pháp.
Lan rộng cả khu vực
Đối với những công dân bình thường đang cố gắng tiếp cận các dịch vụ công cộng mà họ được hưởng, việc mua chuộc quan chức là bất tiện và không thể chấp nhận được. Nhưng đối với một kẻ buôn người hoặc tội phạm nhằm vượt qua luật pháp, mua chuộc quan chức là một cơ hội. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, tham nhũng là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp gây ra bất ổn kinh tế và chính trị ở Bắc Phi. Tình huống này không phải chỉ xảy ra ở Tunisia, mà tồn tại trên cả khu vực.
Tại Algeria, vụ bắt giữ hơn 700kg cocaine hồi tháng 5-2018 phơi bày sự liên quan của các quan chức chính phủ trong kế hoạch buôn lậu quy mô lớn chưa từng có. Sau một loạt các vụ bắt giữ ban đầu nhắm vào chủ sở hữu các container và thủy thủ đoàn của tàu chở hàng, nhiều thành viên của Bộ Tư pháp đã bị bãi nhiệm vì nghi ngờ đã tham nhũng liên quan đến vụ bắt giữ. Người đứng đầu an ninh quốc gia bị sa thải và 5 tướng quân đội bị bắt vì tội tham nhũng liên quan đến vụ án.
Tại Morocco, nạn hối lộ cũng góp phần củng cố nền kinh tế ma túy và mạng lưới tham nhũng. Rif, khu vực phía bắc đất nước là một trung tâm nổi tiếng về sản xuất và xuất khẩu hầu hết các loại cần sa cho thế giới. Các vụ bắt giữ vào năm 2018 đã phơi bày sự liên quan của các thành viên lực lượng vũ trang và các cơ quan thực thi pháp luật của nước này với buôn bán ma túy. Truyền thông hiếm khi đưa tin về các vụ tham nhũng ở Libya, nơi dường như đây là vấn đề thứ yếu ở một quốc gia thường xuyên phải đối mặt với các cuộc đụng độ dữ dội giữa các lực lượng chính phủ, dân quân và các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, vào năm 2017, một cuộc điều tra của tờ Al Jazeera tiết lộ cách lực lượng bảo vệ bờ biển Libya tham nhũng phối hợp với những kẻ buôn người đưa người di cư bất hợp pháp rời khỏi đất nước.
AN BÌNH