Liệu Al-Qaeda có hồi sinh?

Thứ hai, 11/04/2016 10:26

(Cadn.com.vn) - Là một trong những tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới, Al-Qaeda đã phát động nhiều cuộc tấn công thánh chiến nhằm vào phương Tây, đặc biệt là Mỹ với vụ khủng bố kinh hoàng 11-9-2001. Những năm gần đây tổ chức này dường như bị lu mờ trước sự trỗi dậy của những kẻ cực đoan Hồi giáo IS. Mặc dù vậy, vụ tấn công đẫm máu tại khu nghỉ dưỡng ven biển của Bờ Biển Ngà vào giữa tháng 3 đã khiến cộng đồng thế giới lo lắng, mạng lưới khủng bố từng do Osama Bin Laden cầm đầu vẫn chưa hoàn toàn bị tiêu diệt. Vậy liệu tổ chức này có hồi sinh?

Rắn mất đầu

Giới chuyên gia quốc tế luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của trùm khủng bố Osama Bin Laden đối với tổ chức Al-Qaeda. Chính việc sẵn sàng tiếp cận nền giáo dục và phương tiện truyền thông hiện đại, cùng với nhiều kinh nghiệm quý giá, Osama Bin Laden là thủ lĩnh rất uy tín đối với Al-Qaeda.

Vì vậy, cái chết của Bin Laden chính là thất bại lớn nhất của Al-Qaeda. Giáo sư Fawaz Gerges tại Trường Kinh tế London cho rằng, với cơ cấu tổ chức từ trên xuống, người đứng đầu tổ chức Al-Qaeda được coi như “đại vương” và tất cả cấp dưới phải thực hiện theo mệnh lệnh. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Afghanistan vào năm 2001, lực lượng Al-Qaeda bị bẽ gãy và phân tán khắp nơi như Pakistan, Afghanistan, Yemen, Iran và bắc Iraq. Điển hình, với tư cách thủ lĩnh của nhánh Al-Qaeda ở Iraq, tên Abu Musab Al-Zarqawi thực hiện nhiều vụ đánh bom liều chết nhằm vào quân đội Mỹ cũng như nhấn chìm Iraq vào cuộc chiến tranh dân sự bằng cách xoáy sâu vào bất đồng sắc tộc giữa người Sunni và người Shiite.

Tuy nhiên, chiến lược của Al-Zarqawi không nhận được sự đồng thuận của cả Osama Bin Laden và cấp phó Ayman al-Zawahiri. 

Các thành viên Jabhat Al-Nusra nỗ lực thực hiện công tác xã hội để lấy lòng người dân.

Thay đổi chiến lược

Nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông, Charles Lister, cho rằng, trong 2 năm qua, Al-Qaeda thường xuyên tổ chức các cuộc gặp mặt giữa các nhà lãnh đạo của hơn 100 nhóm vũ trang đối lập Syria.

Để thực hiện cuộc chiến lâu dài với phương Tây, Al-Qaeda tập trung hình thành liên minh và công tác xã hội để lấy lòng người dân. Cụ thể, năm 2012 và 2013, tổ chức Jabhat Al-Nusra - chi nhánh Al-Qaeda tại Syria - trực tiếp tham gia vận chuyển và cung cấp khí đốt, bánh mì, nước... cho dân thường với mức giá rẻ hơn thông thường. Theo tài liệu được tìm thấy ở Mali trong một tòa nhà do Al-Qaeda và nhóm Hồi giáo cực đoan Maghreb kiểm soát, tổ chức khủng bố này đang đào tạo và vỗ về những kẻ thánh chiến Hồi giáo như một đứa trẻ. Chiến lược mới này khiến Al-Qaeda nguy hiểm hơn.

Mối đe dọa âm ỉ

Có thể thấy, tổ chức Al-Qaeda mạnh hơn nhiều so với nhiều người nghĩ. Al-Qaeda đã không thay đổi nhiều trong những năm qua, đặc biệt là ở vùng Vịnh nơi có thể chứng kiến cách chúng làm ra tiền và hoạt động như một tổ chức. Tổ chức này ít dựa vào sự quyên góp mà thực tế kiểm soát các loại thuế từ dân hoặc lợi ích từ thương mại nhập khẩu, xuất khẩu... Vì vậy, rất khó để cô lập tài chính Al-Qaeda.

Các chi nhánh Al-Qaeda thực sự cũng không ít nguy hiểm hơn so nhóm nòng cốt. Nó bắt đầu định hình và xây dựng bộ máy lãnh đạo mới, và bao gồm các nhà lãnh đạo tại Yemen và ở Syria nói riêng. Mới đây nổi lên là Ibrahim al-Asiri là chuyên gia chế tạo bom của Al-Qaeda ở Bán đảo Arab. Y hiện được coi là một mối đe dọa thực sự của phương Tây. Nguy cơ hồi sinh của nhóm khủng bố khét tiếng Al-Qaeda cũng có thể sẽ khiến nước Mỹ và phương Tây bận tâm trong khi đang bận đối đầu với IS.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)