Liệu "hộ chiếu vaccine" có hoạt động hiệu quả tại EU?

Thứ sáu, 02/07/2021 12:26

Ngày 1-7, chứng chỉ COVID-19, còn gọi là "hộ chiếu vaccine", áp dụng trên toàn Liên minh Châu Âu (EU) nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại thuận lợi hơn bắt đầu có hiệu lực, đúng thời điểm Châu Âu bước vào kỳ nghỉ hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch.

Hộ chiếu và Chứng chỉ COVID-19 của EU.

Chứng chỉ COVID-19 của EU, cơ bản là một mã QR dạng số trên điện thoại thông minh hoặc bản cứng, sẽ thể hiện người mang thiết bị này đã được tiêm một trong các loại vaccine được EU chấp thuận hay chưa (gồm BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson), cũng như người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Theo luật của EU, người có chứng chỉ trên không cần thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm thêm khi đi du lịch trong 27 nước thành viên của EU và 4 quốc gia liên kết (gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein).

Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders khuyến nghị tất cả các quốc gia thành viên của EU sử dụng một công cụ như vậy không chỉ để tự do đi lại mà còn sử dụng cho tất cả các mục đích khác ở mỗi nước như đi xem hòa nhạc, lễ hội, nhà hát, nhà hàng... Tính đến ngày 30-6, đã có 21 quốc gia thành viên EU chấp nhận chứng chỉ trên.

Nguy cơ hỗn loạn ở các sân bay

Các hãng hàng không và tổ chức sân bay Châu Âu cảnh báo người di chuyển về tình trạng hỗn loạn và chờ đợi xếp hàng tại các sân bay khi chính sách "hộ chiếu vaccine" được áp dụng. Mặc dù chứng chỉ sẽ cho phép hành khách tự do di chuyển khắp Châu Âu từ ngày 1-7 song các quy trình kiểm tra khác vẫn được yêu cầu. Bên cạnh đó, các sân bay phải lắp đặt các trang thiết bị phù hợp để đọc mã QR.

Trong một bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo EU, Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) và các cơ quan đại diện hàng không như A4E, IATA và ERA đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra tình trạng hỗn loạn. "Khi lượng hành khách di chuyển tăng lên trong những tuần tới, nguy cơ hỗn loạn sẽ xảy ra tại các sân bay Châu Âu", các tổ chức viết trong lá thư chung gửi đi tuần này.

Lá thư nhấn mạnh, cách duy nhất để tránh tình trạng người di chuyển mệt mỏi khi phải xếp hàng dài và đối mặt với nguy cơ chậm trễ chuyến bay là thiết lập một hệ thống xử lý chứng nhận tiêm vaccine và giấy tờ của du khách trước khi họ ra sân bay. Trong thư, các tổ chức cũng kêu gọi chính phủ các quốc gia hoàn thiện quản lý dữ liệu y tế và mã QR. "Sự khác biệt và riêng rẽ trong việc triển khai Hộ chiếu Tiêm chủng COVID-19 kỹ thuật số tại từng quốc gia là một điều đáng báo động", lá thư đề cập.

Tổng giám đốc ACI Châu Âu Olivier Jankovec lưu ý việc đối phó với sự gia tăng bất ngờ số lượng hành khách di chuyển trong mùa Hè này sẽ là một thách thức bất ngờ. Ngoài ra, quá trình xác minh cho hành khách hiện vẫn được thực hiện thủ công đang khiến các nhân viên sân bay vô cùng lo lắng. Ông Schwartzman cho rằng, nếu lượng hành khách đi lại trở lại mức trước thời kỳ COVID-19, độ chậm trễ có thể lên tới 8 giờ. ACI châu Âu dự báo lượng hành khách lưu thông dự kiến tăng gấp 3 lần so với con số 47 triệu người trong tháng 5 lên 125 triệu người trong tháng 8.

Mối nguy từ biến thể Delta

Theo giới chức y tế, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm nhanh đang đe dọa EU phải hạn chế áp dụng cơ chế "hộ chiếu vaccine" này. Theo ông Reynders, biến thể Delta đang lây nhiễm tràn lan tại Anh có thể kích hoạt điều khoản "ngừng khẩn cấp" việc sử dụng chứng chỉ COVID-19 này.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1-7, biến thể Delta đã xuất hiện ở 96 quốc gia, tăng thêm 11 quốc gia so với tuần trước đó. Theo WHO, biến thể Delta, còn được gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến, có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên ở Anh, và sẽ nhanh chóng phổ biến và "bao phủ" các ca bệnh trên toàn cầu.

Tại Châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italia hay Bồ Đào Nha. Tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC), biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40% đến 60% so với biến thể Alpha. ECDC dự đoán đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8.

AN BÌNH

Ấn Độ nêu điều kiện chấp nhận "hộ chiếu vaccine" của EU

Một số nguồn tin cho biết trong bối cảnh EU đang nới lỏng hạn chế đi lại theo chương trình Chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số, Ấn Độ đã đề nghị các quốc gia thành viên của khối này xem xét cho phép những người Ấn Độ đã tiêm các vaccine ngừa COVID-19 do nước này sản xuất là Covishield và Covaxin được nhập cảnh.

Ấn Độ đã thông báo với các quốc gia thành viên EU rằng New Delhi sẽ áp dụng chính sách "có đi có lại" và miễn trừ việc cách ly bắt buộc tại Ấn Độ đối với những công dân Châu Âu sở hữu "hộ chiếu vaccine" nếu các nước EU xem xét việc công nhận các vaccine Covishield và Covaxin sản xuất tại Ấn Độ. Ấn Độ đã yêu cầu các quốc gia thành viên EU chấp thuận giấy chứng nhận tiêm chủng được cấp thông qua cổng CoWIN - nền tảng để Ấn Độ triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.