Lình xình chuyện mua bò từ chương trình hỗ trợ 755

Thứ năm, 29/12/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - Nằm trong diện được hỗ trợ theo chương trình 755, 100 hộ dân tại xã Cư Kbang, H. Ea Súp, Đắc Lắc hớn hở đi lựa bò cái sinh sản trên cơ sở giới thiệu của chính quyền địa phương. Thế nhưng, chủ bò được UBND xã giới thiệu thông báo cho người dân, bò nhỏ hay lớn cùng đều cùng một giá 20 triệu đồng/con. Vì sợ mất quyền lợi nên người dân đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” phải mua một con bò không tương xứng với số tiền được vay và hỗ trợ.

Xã cùng thương lái “ép” giá dân?

Là một trong số những hộ dân được hỗ trợ mua bò theo chương trình  755 của Thủ tướng Chính phủ, chị Đàm Thị Thơ (ngụ thôn 3, xã Cư Kbang), cho hay: “Cách đây 2 -3 tháng, thôn họp dân và thông báo gia đình tôi cùng một số hộ khác thuộc diện hộ nghèo được hưởng chế độ hỗ trợ theo chương trình 755 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi hộ dân được nhà nước cho 5 triệu đồng và được vay của ngân hàng chính sách 15 triệu đồng với lãi suất 0,1% (trả trong vòng 5 năm) để mua bò cái sinh sản. Vợ chồng tôi rất vui mừng khi biết mình thuộc diện được hỗ trợ, vay vốn. Cách đây hơn 1 tháng, thông qua trưởng thôn, xã gọi các hộ dân trong diện hỗ trợ xuống trang trại bò của ông Hoàn Tâm ở xã Ea Rốk (H. Ea Súp) để chọn bò”. Chị Thơ xuống xem bò nhiều lần nhưng không chọn được con bò ưng ý. “Đa số bò ở đây, nhiều con mới chỉ là bê, còn bò thì già, gầy nhưng có giá cao từ 17-20 triệu đồng. Trong khi, giá bò thị trường hiện nay rất rẻ. Không đồng ý, chúng tôi đề nghị xã giải ngân tiền mặt để dân tự đi đến chỗ khác lựa bò theo ý muốn. Thế nhưng, UBND xã Cư Kbang không đồng ý và bắt mua tập trung tại trang trại Hoàn Tâm. Ông Cao Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND  xã Cư Kbang còn nói, nếu hộ nào không chịu nhận bò thì xã chuyển cho hộ khác và cắt luôn chế độ hộ nghèo. Mặc dù vậy, sau khi được ngân hàng giải ngân số tiền 15 triệu đồng, vợ chồng tôi đã đi vay lời thêm và mua một cặp bò trị giá 23 triệu đồng ở nơi khác. Riêng 5 triệu đồng hỗ trợ theo chương trình 755 đến nay gia đình tôi chưa nhận được” – chị Thơ nói thêm.

Ông Hoàng Văn Thải (trú thôn 11) cho hay: “Cuối tháng 11, tôi lên trang trại Hoàn Tâm coi bò trên cơ sở giới thiệu của UBND xã. Tại đây, chủ trại bò nói, tất cả bò đều đồng giá 20 triệu đồng và không có quyền trả giá. Khi chúng tôi thắc mắc về giá bò thì chủ trang trại bò bảo nếu không nhận thì sẽ chuyển cho hộ khác. Biết bị ép giá nhưng chúng tôi đành phải chọn một con bò không tương xứng với số tiền được vay, hỗ trợ vì sợ bị mất quyền lợi”.

Tại nhà ông Hoàng Văn Khỉnh cạnh nhà ông Thải, theo ghi nhận của P.V, con bò ông Khỉnh mua với giá 20 triệu đồng tại trại Hoàn Tâm thực chất chỉ là một con bê mới lớn... Nhiều người dân khác trên địa bàn xã rất bức xúc cho rằng bò chọn tại trang trại Hoàn Tâm không đúng với giá bò thực tế. Ngoài ra, một người dân ngụ thôn 11 không khỏi thắc mắc: “Vào thời điểm dân đến xem và mua bò, ông Hoài cũng có mặt tại trang trại Hoàn Tâm. Thế nhưng, khi dân lại hỏi thì ông Hoài nói dân tự đi thương lượng với chủ trại bò. Trong khi, chủ trại bò cương quyết không cho dân thỏa thuận, trả giá. Điều đó khiến người dân không khỏi nghi ngờ việc có hay không chính quyền xã kết hợp với chủ trại bò để ép giá người dân?”.

Những con bò trị giá 20 triệu đồng mà người dân mua từ trang trại Hoàn Tâm. Ảnh T.T

Chính quyền xã nói gì?

Ngay sau khi ghi nhận phản ánh của người dân, P.V đã liên hệ với ông Cao Thanh Hoài vào chiều 25-12. Ông Hoài phân trần, vào năm 2013 để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo, ngày 20-5-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 755/QĐ-TTg (Chương trình 755). Tại H. Ea Súp sau một thời gian triển khai vẫn không thu hồi được đất rừng bị lấn chiếm để phân bổ cho dân. Do đó, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện đã xin chuyển đổi sang mua bò cái sinh sản cho người dân. Trong đó, nguồn vốn đối ứng nhà nước cho dân 5 triệu đồng, còn lại 15 triệu đồng là do Ngân hàng chính sách cho vay với lãi suất 0,1%”. Sau khi rà soát, bình xét, xã Cư Kbang đã chọn ra 100 hộ nghèo để tham gia mua bò theo chương trình hỗ trợ. Đến ngày 9-11 UBND H. Ea Súp đã có Quyết định 3099 về việc phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ mua bò cái sinh sản theo Quyết định 755. Ông Hoài cho biết: “Vào giữa tháng 10-2016, UBND xã mời 100 hộ dân lên thống nhất phương án mua bò. Tuy nhiên, một số hộ chỉ đồng ý lấy 5 triệu đồng nguồn vốn đối ứng, nhưng cũng có nhiều hộ yêu cầu giải ngân trực tiếp để họ tự đi mua bò. Lo sợ người dân sử dụng nguồn vốn sai mục đích nên xã giới thiệu trang trại bò Hoàn Tâm để người dân tự đến lựa chọn và thương lượng giá cả. Sau khi mua bò, các hộ phải mang giấy mua bán bò nộp về để UBND xã xác nhận, gửi lên ngân hàng yêu cầu giải ngân”.

Khi P.V đặt câu hỏi, vì sao UBND xã giới thiệu người dân chỉ mua bò tại trang trại Hoàn Tâm mà không phải là một chỗ khác thì ông Hoài trả lời nhằm đảm bảo chất lượng bò và quyền lợi cho người dân. “Bò tại trang trại này đã tiêm chủng phòng bệnh. Hơn nữa, nếu nuôi trong vòng một năm mà bò không sinh sản hoặc có bệnh tật thì người dân được quyền đổi lại con khác. Hơn nữa, các chương trình hỗ trợ trước đó, người dân tại xã Cư Kbang đều mua bò tại trang trại Hoàn Tâm. Riêng bản thân tôi và lãnh đạo xã không chứng kiến hay can thiệp quá trình trao đổi, mua bán giữa chủ bò và người dân. Tôi cũng không hề nói, nếu dân không nhận bò thì sẽ chuyển cho hộ khác và cắt chế độ hộ nghèo của họ. Càng không có chuyện xã kết hợp với chủ bò để ép giá người dân. Bằng chứng là sau khi dân thắc mắc, chúng tôi đã đề nghị dân phải tự thỏa thuận với chủ bò. Việc mua bán giữa người dân với chủ bò đều có giấy tờ, ghi rõ số tiền, mức giá bò khác nhau chứ không hề có chuyện đồng giá 20 triệu đồng” – ông Hoài lí giải. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Huy Hoàng (chủ trại bò Hoàn Tâm) cũng phủ nhận tất cả phản ánh của người dân và nói “không có chuyện bò đồng giá 20 triệu đồng”.

P.V tiếp tục đưa ra thông tin cung cấp của người dân tại thôn 11 khẳng định ông Hoài có mặt tại trang trại Hoàn Tâm khi dân đến thỏa thuận mua bò. Lúc này, ông Hoài thừa nhận: “Hôm đó, sau khi đi học về thì tôi có ghé vào trang trại để nắm tình hình về việc mua bò của người dân. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa đi kiểm tra thực tế tại từng hộ dân xem bò mua về có tương xứng với số tiền bỏ ra không”. Dẫn đến việc người dân bức xúc, phản ánh như nói trên, ông Hoài cho rằng, trong quá trình thực hiện, người dân đã không hiểu hết những gì mà UBND xã hướng dẫn, triển khai.

Thơ Trịnh