Lở, bồi đe dọa sông Ba
(Cadn.com.vn) - Sông Ba đoạn qua H. Ia Pa (Gia lai) những năm qua cứ sạt lở dần cả hàng nghìn mét đất dọc bờ sông. Không chỉ do diễn biến thất thường của thời tiết mà còn có cả những tác động do bàn tay con người khiến đất sản xuất cũng như cuộc sống của người dân dọc bờ sông này đang bị đe dọa hàng ngày. Nghiêm trọng hơn là khi các điểm sạt lở ngày càng lớn khiến dòng chảy sông Ba đang có những biến đổi phức tạp...
Một địa điểm gần chân cầu Bến Mộng đối diện nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. |
Nơi ngã ba của 2 con sông Ayun và sông Ba nhập với nhau thành một đã trở thành điểm nhấn của vùng đất phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, nơi có cây cầu Bến Mộng thơ là vậy! Thế nhưng, chuyện đó đã trở thành dĩ vãng khi sông Ba đang oằn mình vì sạt lở và thay đổi dòng chảy. Đi ven sông mới thấy cảnh các dãy núi đất đang chực chờ đổ sụp xuống bất cứ lúc nào phía dọc bờ sông thuộc địa phận H. Ia Pa. Hàng trăm héc-ta đất sản xuất bị sạt lở, bồi lấp đang đe dọa đến đời sống người dân ở đây. Với 5 sào đất được cha để lại ven bờ sông Ba tại khu vực xã Chư Mố (H. Ia Pa), đã nuôi sống gia đình ông Ksor Siu (xã Chư Mố, H. Ia Pa, Gia Lai) hơn 20 năm nay. Thế nhưng, chỉ vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở khiến mảnh đất trồng cây nông nghiệp của gia đình ông bị hà bá "nuốt" hơn một nửa. Đứng lặng nhìn dòng sông, ông Siu buồn thiu: "Hồi mới làm ở đây, đất của mình tốt ít ai bằng khi năm nào phù sa sông cũng bồi đắp thêm màu mỡ. Mình trồng các loại hoa màu quanh năm nhưng trong 10 năm trở lại đây, sông cứ sạt lở dần, đến nay bờ sông đã ăn vào gần 40m, riêng đợt mưa lũ cuối năm 2017, cả 7m đất với chiều cao gần 10m sạt lở, đổ sập xuống sông. Giờ không có đất nên vẫn bám trụ đây thôi. Chắc vài năm nữa đất mình cũng không còn nếu sông Ba cứ sạt lở miết như thế này!". Theo những người dân ở đây, tình trạng sạt lở sông bắt đầu xuất hiện từ đợt lũ lịch sử năm 2009. Lúc đầu chỉ sạt lở 1-2m đất nhưng cứ mỗi năm tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, từ khi bên kia bờ sông được UBND TX Ayun Pa (Gia Lai) triển khai xây kè chống xói lở thì bên này trở thành điểm dòng sông xói mòn, tàn phá. Theo báo cáo của UBND H. Ia Pa, trên địa bàn toàn huyện đã có hơn 2km bờ sông bị sạt lở, trong đó có hơn 700m bị sạt lở nghiêm trọng. Chưa đến 10 năm, địa phương này đã bị mất hơn 40ha đất sản xuất dọc theo dòng sông. Ông Phạm Tiến Đài, Trưởng phòng TNMT H. Ia Pa cho biết: mỗi năm, sạt lở diễn ra phức tạp và rất nhanh. Nếu không đầu tư làm kè thì không có giải pháp nào hạn chế. Ngoài sạt lở thì tình trạng bồi lắng cũng khiến nhiều diện tích đất bãi bồi ven sông không thể canh tác được. Gần 40ha đất trồng cây hoa màu, thuốc lá của hàng trăm hộ dân ở xã Ia Broăi đành phải bỏ hoang bấy lâu nay. Bởi khu này từ khi phía lưu vực trên bị sạt lở thì phía dưới trở thành bãi bồi. Cứ mỗi lần mưa lũ, cát từ lòng sông theo nước chảy vào và bồi lấp đất sản xuất, có nơi bị bồi lắng sâu đến 1m. Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn khi hàng năm lượng cát bồi ngày càng nhiều hơn. Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Vĩnh Hương, Phó Chủ tịch UBND H. Ia Pa cho biết: Nguồn lực của huyện để khắc phục sạt lở hiện không có và chúng tôi đã có đề xuất lên UBND tỉnh Gia Lai để xem xét. Riêng diện tích đất bồi lấp huyện đang tính phương án chuyển đổi cây trồng từ cây ngắn ngày sang cây dài ngày, cây đa mục tiêu vừa để giữ đất vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế cho bà con.
Điểm sạt lở sâu vào 40m đất sản xuất của người dân so với hơn 10 năm trước. |
Trước tình trạng sạt lở khiến người dân sống dọc sông Ba đang từng ngày phải đối mặt, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra việc sạt lở bờ sông Ba đoạn chảy qua địa bàn H. Ia Pa. Qua đó, đoàn xác định tại xã Chư Mố, xảy ra 3 vị trí sạt lở với chiều dài tổng cộng gần 1.300m, trong đó có vị trí sạt lở cách một số nhà dân khoảng 30m; tại xã Ia Tul, Ia Broăi với khoảng 700m bị sạt lở. Điều đáng nói, tại điểm sạt lở trên chỉ cách cây cầu Bến Mộng (nối H. Ia Pa và TX Ayun Pa) khoảng 200m. Không chỉ người dân mất đất sản xuất, sông Ba đang có dấu hiệu thay đổi dòng chảy và nếu không có biện pháp khắc phục sẽ đe dọa đến sự an nguy của cây cầu Bến Mộng trong nay mai. Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 1531 chỉ đạo UBND H. Ia Pa tiến hành cắm biển báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và có phương án xử lý tạm thời để đảm bảo an toàn, tính mạng tài sản cho người dân. Đồng thời, tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch bố trí lại dân cư, đất của các xã trên địa bàn đang xảy ra tình trạng sạt lở. Đối với các vị trí sạt lở tại địa bàn xã Chư Mố, tỉnh Gia Lai yêu cầu H. Ia Pa triển khai các biện pháp bảo vệ bờ sông và sửa chữa mái bờ sông để đảm bảo ổn định cũng như vận động di dời các hộ dân gần vị trí sạt lở đến nơi an toàn trong mùa mưa lũ 2017 và các năm tiếp theo.
Riêng tại điểm sạt lở nghiêm trọng gần khu vực cầu Bến Mộng, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở KH&ĐT phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở TN&MT cùng UBND H. Ia Pa tiến hành lập dự án đầu tư xử lý sạt lở, đề xuất UBND tỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn và đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn để đầu tư.
Minh Tân