Lỡ hẹn, thêm khủng hoảng

Thứ tư, 25/12/2019 12:18

Các chính trị gia Iraq lại một  lần nữa bỏ lỡ thời hạn chót để đề cử một thủ tướng mới do bất đồng về việc khối nào lớn nhất trong quốc hội, càng khiến cuộc khủng hoảng làm chao đảo nước này kể từ hồi tháng 10 trở nên trầm trọng thêm.

Hàng ngàn người Iraq tiếp tục biểu tình và phong tỏa các tuyến đường ở thủ đô Baghdad và khu vực miền Nam có đa số người Hồi giáo dòng Shitite sinh sống, phản đối bất cứ ứng cử viên nào thuộc các nhóm chính trị đã cầm quyền ở nước này trong nhiều năm vào hôm 24-12. Các cuộc biểu tình diễn ra sau một đêm dài mà một số chính khách tìm cách thuyết phục Tổng thống Barham Saleh chỉ định một chính khách được Iran hậu thuẫn vào vị trí thủ tướng. Thời hạn chót là nửa đêm 22-12 để đề cử một vị thủ tướng tạm quyền đã qua mà không có dấu hiệu đạt được giải pháp rõ ràng nào.

Theo các quan chức này, Tổng thống Saleh dọa từ chức nếu ông buộc phải đề cử một ứng cử viên mà công chúng phản đối. Trên thực tế, trong những ngày qua, những người biểu tình xuống đường với tuyên bố không chấp nhận đề cử bộ trưởng giáo dục sắp mãn nhiệm, Qusay al-Suhail cho chiếc ghế Thủ tướng trong khi đây là nhân vật được các quan chức trong chính phủ ủng hộ. Một tuyên bố được đọc trên loa tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Baghdad nhấn mạnh, những người biểu tình không chấp nhận các ứng cử viên thuộc các nhóm chính trị mà họ cáo buộc tội tham nhũng tràn lan.

Cuộc khủng hoảng không có lãnh đạo của Iraq đã làm náo loạn đất nước kể từ ngày 1-10, với ít nhất 400 người thiệt mạng do bạo lực. Hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường để giải mã tham nhũng, dịch vụ yếu kém và thiếu việc làm, đồng thời kêu gọi chấm dứt hệ thống chính trị áp đặt sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2003.

Áp lực từ các cuộc biểu tình đã khiến Thủ tướng Adil Abdul-Mahdi phải từ chức vào cuối tháng trước, sau khi Cơ quan tôn giáo quyền lực nhất của Iraq, Grand Ayatollah Ali Al-Sistan, rút lại sự ủng hộ đối với chính phủ của ông Abdul-Mahdi. Cuối tuần qua, Al-Sistan, trong bài giảng đạo hàng tuần, đã kêu gọi các khối chính trị nhanh chóng thành lập chính phủ. Hiến pháp của Iraq yêu cầu thông báo về một ứng viên cho chức vụ thủ tướng trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấp nhận đơn từ chức của nhân vật cũ. Thời hạn đó đã hết hạn vào hôm 19-12, nhưng được kéo dài đến nửa đêm 22-12. Và dù cho đến nay chiếc ghế này vẫn bỏ trống, không có thời hạn mới được đưa ra.

Mọi viễn cảnh cho thấy bế tắc chính trị đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

THANH VĂN