Lỗ hổng nghiêm trọng

Thứ năm, 16/06/2016 08:17

(Cadn.com.vn) - Khi giới điều tra vẫn tiếp tục thu thập thông tin về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Orlando do tên Omar Mateen gây ra, người dân Mỹ vẫn đau đáu với rất nhiều câu hỏi xung quanh vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Câu hỏi quan trọng được đặt ra là làm thế nào mà hệ thống an ninh của Mỹ lại để lọt tên khủng bố đã 2 lần bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) thẩm vấn vì nghi liên quan tới khủng bố?

Rõ ràng, vụ tấn công ở Orlando là hồi chuông cảnh tỉnh mới nhất, để Quốc hội, Nhà Trắng và cộng đồng thực thi pháp luật nước Mỹ cần phải hành động nhanh chóng. Thứ nhất, dựa trên các báo cáo trong vòng 24 giờ đầu tiên sau vụ tấn công, sai lầm lớn nhất là của FBI. Dù kẻ tấn công nằm trong danh sách đen, nhưng FBI lại quá thờ ơ với các hành động của tên này. Tất nhiên, không nhất thiết phải "tạo cớ và bằng chứng" để có thể bắt giữ tên này nhưng ít ra, FBI cần đặt báo động đỏ sau khi Mateen mua 2 khẩu súng chỉ trong 2 tuần.

Làm thế nào mà một cá nhân từng bị FBI 2 lần thẩm vấn và điều tra - gồm 10 tháng điều tra sơ bộ - có thể mua súng và đạn dược mà không có bất kỳ cảnh báo nào. Điều này rõ ràng cho thấy một sự thất bại nặng nề của hệ thống tình báo và an ninh Mỹ. Giám đốc FBI Jim Comey biện hộ, Mateen bị loại bỏ khỏi danh sách theo dõi của FBI, song ông không giải thích thêm vì sao như vậy. Rõ ràng, vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Nhưng nếu FBI đã nhìn thấy thất bại của họ, cải cách khẩn cấp là điều cần thiết trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố gia tăng như hiện nay.

Thứ hai, vụ thảm sát ở Orlando chính là kiểu tấn công mà những kẻ khủng bố mong đợi kể từ sau khi "đánh gục" nước Mỹ bằng vụ 11-9-2001. Nhóm cực đoan IS lên tiếng nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công này, kiểu tấn công được nhận định là "tiêu biểu cho phong cách điển hình của IS". Đó là nhóm này tuyên truyền đến những kẻ ủng hộ, kêu gọi thực hiện các vụ tấn công và tuyên bố nhận trách nhiệm. Sau các cuộc tấn công ở Paris; San Bernardino, California; và Brussels; mối đe dọa về các cuộc tấn công trực tiếp dưới sự chỉ đạo của IS, hay lấy cảm hứng từ nhóm này đã lên mức cao nhất mọi thời đại.

Có thể nói, cuộc tấn công Orlando là phiên bản thứ hai của vụ khủng bố nhà hát Bataclan ở Pháp. Phương thức tấn công được xác định để đảm bảo mức độ thương vong cao và có thể dễ dàng tẩu thoát hơn. Bất kể Mateen hành động một mình như "con sói đơn độc" hoặc là một phần của một nhánh nhỏ của IS, giới chức an ninh Mỹ cũng cần tăng cường cảnh giác và phải có chính sách giám sát mạnh mẽ hơn.

Rõ ràng, lỗ hổng an ninh trong vụ Orlando khiến nhiều người lo sợ rằng, sẽ có thêm người vô tội bị giết chết trước khi nước Mỹ tiến hành cải cách bộ máy an ninh quốc gia.

Thanh Văn