"Lỗ hổng" rừng phòng hộ

Thứ bảy, 19/09/2015 11:24

(Cadn.com.vn) - "Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020. Theo đó, nhà nước sẽ đầu tư cho 19 tỉnh thành ven biển trong đó có Quảng Nam. Mục tiêu đến năm 2020 các địa phương phục hồi và trồng mới gần 60.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 20%".

Cơn bão số 3 vừa qua tuy không gây ra thiệt hại nặng nề nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc xây dựng hệ thống rừng phòng hộ. Tại Quảng Nam, theo tình hình được cập nhật sau bão đã gây sạt lở trên diện rộng với 2.747m3 đường giao thông, 10 ha nuôi tôm hư hại và 800 mét bờ biển Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng. Từ thực tế đó cho thấy nguy cơ sạt lở mùa bão là vô cùng nghiêm trọng, nhất là địa bàn ven biển. Bên cạnh những nguyên nhân "bất khả kháng" thì rõ ràng có một "lỗ hổng" trong lớp áo xanh bảo vệ bờ biển đang cần được lấp đầy. Vấn đề được đặt ra là với hệ thống rừng phòng hộ hiện nay liệu có đủ sức chống chọi với những cơn bão lớn hơn?

Những năm qua tình trạng biển xâm lấn đất liền hay rừng phòng hộ nhường chỗ cho các dự án về kinh tế - xã hội luôn là vấn đề nhức nhối đã được phản ánh nhiều lần. Sau bão, bờ biển Cửa Đại vốn đã tan hoang từ mùa bão năm trước nay lại càng trở nên thê thảm hơn. Mặc dù đã ra sức chuẩn bị, đắp kè và tổ chức những buổi hội thảo có chuyên gia nước ngoài tham dự để ngăn chặn tình trạng trên nhưng rõ ràng chỉ một cơn bão nhỏ đi qua bờ biển Cửa Đại đã "chịu thua" trước những cơn sóng lớn. Có nhiều nguyên nhân được kết luận là "thủ phạm" gây nên sạt lở biển Cửa Đại nhưng ít ai chú ý rằng ngoài những tác nhân bên ngoài như thủy điện, biến đổi khí hậu thì bản thân bờ biển này cũng đã bị khai thác quá mức không còn đủ cứng cáp để chịu được sóng lớn. Những gốc dừa trước kia là điểm nhấn của bãi biển nay bật gốc nằm trơ trọi. Biển tiếp tục ăn sâu vào đất liền trước sự bất lực của con người. Dọc bờ biển Cửa Đại về hướng Cù Lao Chàm, những khu resort đang nỗ lực khôi phục cảnh quan. Tại khu resort Fusion tuyến bờ kè cao 5 m nhưng vẫn bị sóng biển khoét sâu. Ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch UBND P. Cửa Đại cho biết: "Vấn đề sạt lở đã trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên khi phường nằm giáp với biển. Tuy nhiên những năm gần đây tình hình trở nên căng thẳng hơn và mức độ sạt lở cũng tăng lên chóng mặt mà chưa có biện pháp triệt để".

Bờ biển Cửa Đại tan hoang sau bão số 3.

Tình hình sạt lở bờ biển ở Cửa Đại ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi hiện nay hầu hết các công trình nghỉ dưỡng đều được xây dựng sát mép biển. Đã xa rồi cái thời người dân P. Cửa Đại còn nhìn thấy những hàng dương liễu rợp kín, giờ đây chỉ cách vài bước chân thôi là trước nhà dân đã là khoảng trời biển bao la. Ông Nguyễn Thế Tám, một người dân sinh sống lâu năm tại P. Cửa Đại chiêm nghiệm: "Chỉ trong vòng 1 năm mà bờ biển Cửa Đại từ một trong những bờ biển đẹp nhất trở nên trơ trọi như vậy không phải chỉ do yếu tố thời tiết bất thường. Đây là dấu hiệu của sự quá tải và không có biện pháp bảo vệ thường xuyên. Không có rừng phòng hộ giống như con bệnh lâu ngày bùng phát thì chẳng có sức đề kháng đâu mà chống đỡ được". Thực vậy, chỉ trong vòng năm 2014 đến nay đã chi 15 tỷ đồng làm kè mềm bảo vệ bờ biển Cửa Đại nhưng vẫn không thực sự hiệu quả.

Không nhanh và mạnh như mức độ sạt lở tại P. Cửa Đại nhưng tình trạng sạt lở tại các xã ven biển H. Núi Thành cũng đã trở thành nỗi lo thường trực với nhiều hộ dân. Không phát triển về du lịch nhưng những qui hoạch về kinh tế như nuôi tôm ven biển, khu công nghiệp liên tiếp mọc lên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống rừng phòng hộ. Dọc con đường Thanh niên qua xã Tam Thanh, Tam Tiến không khó để bắt gặp hình ảnh nước biển tiến sát vào rừng dương. Phong trào phá rừng đào ao nuôi tôm đã trở thành một cơn sốt trong những năm trước và vì lợi nhuận mà người dân đã không nhìn thấy được hệ quả lâu dài của việc mất rừng phòng hộ.

Nước biển ngày càng "khoét sâu" vào đất liền.

Năm 2000, dự án hỗ trợ trồng rừng Pacsa cho các xã ven biển do chính phủ Nhật tài trợ đã được triển khai thế nhưng vẫn chưa thể lấp đầy những nguy cơ do trống rừng phòng hộ. Điển hình như xã Tam Phú được trồng 236 ha thì đến nay chỉ có 28 ha phát triển số còn lại đã chết yểu. Tương tự tại xã Tam Thăng trồng 207 ha rừng thì đã mất trắng 94 ha.

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT Quảng Nam, dự án rừng Pacsa trồng hơn 1.854 ha rừng phòng hộ gồm các loại cây keo, bạch đàn, điều, phi lao. Tuy nhiên đến nay số lượng cây sống chỉ đạt 60%. Nguyên nhân chính bởi khâu hậu dự án đã không duy trì được chất lượng của cây. Và cũng từ đó mà theo thời gian những tấm lá xanh bảo vệ bờ biển đã không còn.

Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão thì việc xây dựng rừng phòng hộ phải là công tác thường xuyên. Vấn đề sạt lở bờ biển Cửa Đại là hồi chuông báo động về công tác "phòng và hộ" ven biển. Thiết nghĩ, đã đến lúc các ban ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa nếu không cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt.

Đồng Dao