Lỗ hổng trong việc bảo vệ rừng
Tại hội nghị tìm giải pháp khôi phục rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tổ chức tại Đắc Lắc tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tình trạng tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che dẫn đến mất rừng diễn ra tương đối phổ biến.
Trước thực tế trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên. Yêu cầu các địa phương xây dựng các phương án, giao cho lực lượng chuyên trách chủ trì thực hiện để điều tra, truy bắt các băng nhóm phá rừng, tiêu thụ gỗ lậu.
Chính phủ quyết liệt là vậy, thế nhưng tại Quảng Nam, liên tiếp trong 2 năm qua xảy ra nhiều vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng mà Thủ tướng Chính phủ phải lên tiếng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm. Còn nhớ, tháng 7-2016, vụ phá rừng pơ-mu nằm trong khu vực vành đai biên giới Cửa khẩu Nam Giang được phát hiện. Vụ việc gây xôn xao dư luận, bởi khu vực này được xem là “bất khả xâm phạm”, thế nhưng lại “được” lâm tặc ngang nhiên triệt hạ hơn 60 cây pơ-mu trong thời gian dài. Trong vụ việc này, với riêng Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang có đến 3 lãnh đạo đã bị đình chỉ công tác để phục vụ cho quá trình điều tra. Đồng thời, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt giam hơn 20 đối tượng tham gia vụ phá rừng này.
Vụ phá rừng pơ-mu trên đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử, thì những ngày qua, cũng tại Quảng Nam “nổi” lên vụ phá hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh. Theo người dân, rừng Tiên Lãnh trước đây nổi tiếng với các loại gỗ quý, như lim, sến, kiền kiền... Đặc biệt, khu vực này là nơi cư trú của những đàn voi còn sót lại của Quảng Nam. Ông Phùng Văn Chính - Trưởng thôn 11 (xã Tiên Lãnh) cho hay, cách đây 5 năm, trong những lần đi rừng ông thường xuyên bắt gặp những bầy voi rừng đi kiếm ăn tại đây. Thế nhưng chỉ vài ba năm nay, rừng bị tàn phá với tốc độ quá nhanh. Voi không còn chỗ ở thế là chúng vượt dòng Sông Tranh chạy qua những tán rừng còn lại của xã Trà Đốc (H. Bắc Trà My) sinh sống...
Đến nay, những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại tại đây đã bị cạo trọc không thương tiếc. Rừng Tiên Lãnh bị tàn phá đã bộc lộ ra nhiều bất cập. Chính quyền địa phương đổ lỗi do lực lượng kiểm lâm mỏng. “Nguyên nhân do Hạt Kiểm lâm Tiên Phước sáp nhập vào Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam nên việc kiểm soát rừng gặp khó. Trong khi đó, kiểm lâm địa bàn chỉ có một người đã không đáp ứng được công tác bảo vệ rừng”, ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND H. Tiên Phước lý giải nguyên nhân rừng bị phá.
Thế nhưng ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã phản bác nguyên nhân trên và cho rằng do địa phương buông lỏng quản lý. Ông Đức cho rằng lý do mà địa phương đưa ra diện tích rừng phòng hộ lớn, lực lượng kiểm bảo vệ ít là không đúng. “Khi Hạt kiểm lâm H. Tiên Phước sát nhập về Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam thì bộ máy vẫn giữ nguyên. Tại huyện này có Trạm kiểm lâm với 6 cán bộ quản lý rừng. Với 4.000ha rừng phòng hộ tại đây thì diện tích này không lớn, số người như vậy là nhiều, chứ không phải ít”- ông Đức nói.
Bên cạnh đó, vị giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, có một số vụ phá rừng được phát hiện, nhưng kiểm lâm xử lý hành chính cho xong việc nên hầu hết khởi tố vụ án nhưng không tìm ra đối tượng. Bởi vậy, người dân Tiên Lãnh từng dẫn chứng, một người phá 3 héc-ta rừng phòng hộ ở đây nhưng chỉ bị xử phạt hành chính 700 ngàn đồng. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người phá rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000m2 thì bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại rừng...
Phát biểu tại cuộc họp với các ngành chức năng sau khi kiểm tra và chứng kiến cảnh rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị tàn phá khủng khiếp, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo: “Phải tìm ra kẻ chủ mưu, phải xử lý đúng người đúng tội, đúng kẻ chủ mưu. Luật pháp không có khái niệm quy định vùng cấm, cho dù đó là ai. Qua đây tôi cũng kêu gọi người dân, các cơ quan thông tấn báo chí phát hiện, tố giác tội phạm để tìm ra đối tượng cầm đầu”.
Vụ phá rừng trên có được các tổ chức, cá nhân “bảo kê” hay không đó là điều dư luận đang mong đợi câu trả lời từ CQĐT. Hy vọng, vụ việc sẽ được xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt kẻ chủ mưu, cầm đầu như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Có như vậy người dân mới phấn khởi, tin tưởng vào sự công bằng và tiếp tục tự tin đứng ra tố cáo sai phạm.
TRẦN TÂN