Về bài viết: "Ai đứng sau vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh": Lộ danh sách những cán bộ đứng sau?
* Khởi tố, bắt giam bị can Phùng Văn Bảy
* Diện tích rừng thực tế bị mất lớn hơn nhiều so với báo cáo?
Vụ phá hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh (H. Tiên Phước, Quảng Nam) đang được CQĐT khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ. Minh chứng là tối 26-9, CQĐT CAH Tiên Phước đã bắt khẩn cấp ông Phùng Văn Bảy (trú thôn 9, xã Tiên Lãnh) về hành vi “Hủy hoại rừng”. Tuy nhiên, người dân địa phương và các ngành chức năng cũng nhận định, ông Bảy chỉ là người làm thuê cho các đối tượng khác. Điều đáng nói, trong đơn gửi cho P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, nhiều trưởng thôn kiêm hộ nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Tiên Lãnh khẳng định, diện tích rừng bị phá lớn hơn nhiều so với báo cáo của ngành Kiểm lâm (KL) tỉnh Quảng Nam trong cuộc họp chiều 22-9.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị phá. |
Lãnh đạo xã “làm ngơ”?
Như chúng tôi đã thông tin, chiều 22-9, sau gần 1 ngày kiểm tra thực tế diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng liên quan. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, nhiều hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng không được mời tham dự.
Ông Phùng Văn Chính (1968) - Trưởng thôn 11 kiêm hộ nhận khoán bảo vệ rừng xã Tiên Lãnh bức xúc: “Hôm đó chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu để báo cáo trước cuộc họp, nhưng chính quyền địa phương và các ngành chức năng không thông báo cho chúng tôi tham gia. Trong khi đó, chúng tôi là người được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, nắm đầy đủ các thông tin về tình hình diện tích rừng bị tàn phá. Tôi nhận thấy cuộc họp trên thiếu tính trung thực”.
Ông Chính cho biết thêm: Năm 2015, Nhà nước có chủ trương giao toàn bộ rừng nguyên sinh thuộc rừng phòng hộ cho các nhóm hộ ở gần rừng bảo vệ. Nhóm ông Chính gồm 5 hộ: Ông Phùng Văn Chính; ông Võ Phi Hiền - Phó Bí thư Chi bộ thôn; ông Trần Mão - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn; ông Trần Tam - Công an viên; ông Phạm Văn Trung để bảo vệ diện tích 114,7ha tại khoảnh 2, tiểu khu 556. Theo biên bản ký kết với Ban quản lý dự án trồng rừng Tiên Phước, UBND xã Tiên Lãnh và đại diện nhóm hộ, ông Chính được cử làm nhóm trưởng. “Suốt thời gian bảo vệ, nhóm hộ thường xuyên tổ chức kiểm tra diện tích rừng được giao, khi phát hiện rừng bị phá đã báo cáo về UBND xã. Đặc biệt, trong 2 năm cuối năm 2016, đầu 2017, có đến 90% diện tích rừng được giao khoán của nhóm tôi bị tàn phá, ước tính gần 110ha, hiện diện tích rừng được giao bảo vệ chỉ còn khoảng 4,7ha. Các hộ bảo vệ rừng đã báo cáo nhưng không thấy UBND xã Tiên Lãnh can thiệp. Ông Chính nhận định: “Tôi thấy con số 124ha mà Chi cục KL tỉnh nêu trong cuộc họp ngày 22-9 là chưa chính xác. Chỉ riêng nhóm của tôi đã bị phá hơn 100ha rồi. Trong khi đó, các khoảnh 1 và 3 của tiểu khu 556 và tiểu khu 557 cũng bị phá tương tự. Mỗi khi phát hiện vụ phá rừng tôi báo cáo nhưng không hiểu sao UBND xã không có biện pháp giải quyết. Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương vào cuộc làm cho sáng tỏ” - ông Chính nói.
Mỗi khu vực có hàng chục héc-ta rừng phòng hộ đã bị xóa sổ. (Trong ảnh: Những cánh rừng của tiểu khu 557 bị đốn trụi);và đơn của một số trưởng thôn gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ những cán bộ đứng sau vụ phá rừng. |
Lộ diện danh sách những cán bộ đứng sau
Còn ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng thôn 8 thông tin thêm: Rừng phòng hộ Tiên Lãnh bao gồm 4 tiểu khu. Tiểu khu 551, 552 nằm về phía bắc của trung tâm xã Tiên Lãnh, diện tích khoảng trên 450ha được giao khoán cho các hộ dân thôn 6 và thôn 7. Tuy nhiên, 2 tiểu khu này đã bị tàn phá từ năm 2014, đến nay rừng tự nhiên đã bị xóa sổ. Tiểu khu 556, 557 được giao cho các hộ dân thôn 1,8,9,10,11,12. Từ năm 2014 đến năm nay, 2 tiểu khu này bị các đối tượng tàn phá, thiệt hại rất nhiều. Trong đó, nặng nhất khu vực đầu Nà Cau, giáp với xã Tiên Ngọc thuộc các nhóm hộ của thôn 11 và thôn 1 quản lý. Còn lại một số thôn khác từ năm 2014 đến nay hầu hết gần như rừng đã biến mất... “Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc làm rõ thì việc tiêu cực vẫn còn tiếp diễn. Nhân dân các thôn rất bức xúc về việc đại diện KL đã báo cáo diện tích rừng bị mất chỉ 124ha - điều này là không thực tế. Ngày 22-9, đoàn công tác chỉ mới đi được 2 điểm phá rừng đó là khu vực Dội Bà và Sai 5 Tầng. Nếu cơ quan chức năng đi hết diện tích rừng bị phá thì 7 ngày cũng không thể xong… Bản thân tôi được nhân dân tín nhiệm, gửi gắm và cung cấp một số thông tin của cán bộ là những người có tham gia phá rừng, đứng phía sau bảo kê, nhưng địa phương lại không báo cáo với cấp trên” - ông Sơn nhấn mạnh.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Sơn cũng ghi kèm theo danh sách tổng hợp những kẻ phá rừng và những người đứng phía sau để các ngành chức năng xem xét, làm rõ. Đáng chú ý, trong danh sách đó có tên những lãnh đạo UBND xã Tiên Lãnh, lãnh đạo Hạt KL Nam Quảng Nam… Bởi vậy, khi tiếp xúc với P.V tại hiện trường vụ phá rừng, ông Nguyễn Anh Dũng (1948, trú thôn 1), nguyên đại biểu HĐND xã Tiên Lãnh đã nói: Rừng tự nhiên ở Tiên Lãnh bị chặt phá đã nhiều năm nay và hầu như ai cũng biết. Mỗi năm, tiếp xúc cử tri hai đợt, lúc nào người dân Tiên Lãnh cũng đều có ý kiến phản ánh sự việc nhưng chẳng thấy các cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn, dẫn đến rừng bị mất như ngày hôm nay.
Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng trên, chiều 26-9, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Văn Cự - Trưởng CAH Tiên Phước cho biết, CQĐT CAH Tiên Phước vừa khởi tố bị can, đồng thời thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Phùng Văn Bảy về hành vi Hủy hoại rừng để tiếp tục điều tra, làm rõ. Trước đó, các ngành chức năng phát hiện 7 người dân tộc Ca Dong (trú H. Bắc Trà My, Quảng Nam) đang gieo hạt keo trên diện tích rừng bị phá khoảng hơn 5ha tại tiểu khu 556. Qua làm việc 7 người này cho biết họ tỉa hạt keo thuê cho ông Phùng Văn Bảy. Tiếp tục làm việc với ông Bảy, người này đã thừa nhận hành vi phá rừng để lấy đất trồng keo…
Trần Tân - Lê Vương