Lo ngại những “điểm nóng” thế giới

Thứ bảy, 06/01/2018 09:17

Từ bóng ma hạt nhân tên lửa trên bán đảo Triều Tiên cho đến những xung đột gay gắt ở Trung Đông, sự thất bại chung trong nỗ lực giải quyết xung đột đang tạo ra những mối đe dọa mới và nguy hiểm hơn trong năm 2018.

Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã nắm quyền trở lại ở Syria,
nhưng cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. 
   Ảnh: AFP

Bán đảo Triều Tiên

Đã có nhiều tín hiệu khả quan trong ngày đầu năm mới trên bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un bất ngờ dịu giọng với Hàn Quốc và hai bên đã nối lại đường dây nóng đối thoại.  Hàn-Triều ngày 5-1 thậm chí đã nhất trí tổ chức đàm phán cấp cao vào tuần tới để thảo luận khả năng Bình Nhưỡng cử đại diện tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 sẽ diễn ra tại Hàn Quốc. Nhưng giới quan sát cho rằng, đừng nên vội mừng quá sớm. Thứ nhất là do nhân tố Mỹ. Washington hiện vẫn có những tín hiệu lúng túng, khó hiểu và gay gắt với Bình Nhưỡng. Và thứ hai, tất nhiên, Triều Tiên không bao giờ dễ dàng từ bỏ chương trình hạt nhân tên lửa của họ, điều mà Hàn-Mỹ xem là “điều kiện tiên quyết” cho bất kỳ giải pháp hòa bình nào.

Mỹ, Saudi Arabia và Iran

Xung đột chưa bao giờ nguội giữa Mỹ, Saudi Arabia và Iran có khả năng gây ra các đường dây đứt gãy mới ở Trung Đông trong năm 2018. Nó được kích hoạt và trầm trọng thêm bởi 3 tiến trình song song: sự hợp nhất quyền lực của Thái tử Mohammed bin Salman ở Saudi Arabia; chiến lược mạnh mẽ hơn của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Iran; và việc IS không còn kiểm soát lãnh thổ ở Iraq và Syria, động thái vốn cho phép Washington và Riyadh nhắm mục tiêu chú ý vào Iran.

Với rất nhiều điểm nóng trong khi nỗ lực ngoại giao hời hợt, nguy cơ leo thang căng thẳng là rất lớn từ bất kỳ động thái nào – Mỹ có thể gia tăng các hình thức trừng phạt nhằm vào Iran với cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận hạt nhân lịch sử; một cuộc tấn công tên lửa của phe Houthi nhằm vào Riyadh hoặc Abu Dhabi, trong đó Washington và Riyadh sẽ cáo buộc trách nhiệm cho Tehran; hoặc một cuộc tấn công của Israel tại Syria khiến người Iran thiệt mạng - có thể gây ra cuộc đối đầu rộng lớn hơn.

Y emen

Với 8 triệu người trên bờ vực nạn đói, 1 triệu trường hợp bị dịch tả, và hơn 3 triệu người di tản ở trong nước, cuộc chiến Yemen có thể leo thang xa hơn vào năm 2018. Sau thời điểm căng thẳng gia tăng, phe của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã công bố từ bỏ quan hệ đối tác với phe Houthis và chuyển sang ủng hộ liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Và ông Saleh đã phải trả giá đắt cho tuyên bố này khi đã phe Houthi sát hại ngay sau đó. Và Yemen rơi vào cuộc nội chiến cay đắng hơn nữa. Giờ đây, đàm phán – vốn vẫn là một viễn cảnh xa xôi – càng trở nên phức tạp khi phe Houthis đang tỏ ra kiên quyết hơn.

Afghanistan

Cuộc chiến ở Afghanistan bắt đầu nóng lên ngay đầu năm 2018. Chiến lược Afghanistan mới của Mỹ đã khiến phe Taliban hành động mạnh mẽ hơn nữa. Và rồi, Mỹ lại tiếp tục mở nhiều cuộc không kích ác liệt cùng với các cuộc tấn công của quân đội Afghanistan nhằm ngăn chặn đà của Taliban, để cuối cùng buộc nhóm này ký một thỏa thuận chính trị. Tuy nhiên, bây giờ, chiến lược gần như chỉ là tập trung ở các hoạt động quân sự và đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng.

Vấn đề đặt ra hơn nữa, theo các nhà lãnh đạo quân sự, là vì Tổng thống Trump, không giống như người tiền nhiệm Barack Obama, không đưa ra kế hoạch rút quân cụ thể. Các cuộc bầu cử sắp tới của Afghanistan (cuộc thăm dò ý kiến cử tri vào tháng 7-2018, cuộc bầu cử vào năm 2019) sẽ “hút oxy” từ chiến dịch quân sự. Thực tế chứng minh, những cuộc bỏ phiếu từ năm 2004 đã đốt cháy một số hình thức khủng hoảng, và sự bất đồng chính trị ngày càng nghiêm trọng hơn.

Syria

Sau gần 7 năm chiến tranh, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã nắm quyền trở lại trong khi các nhóm khủng bố đã bị đánh bại. Nhưng cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Các khu vực rộng lớn của đất nước vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ trong khi các cường quốc khu vực và quốc tế vẫn chưa nhất trí về một giải pháp hòa bình cho nước này. Ngoài ra, tại Syria, các tàn dư của nhóm IS đã rút lui vào sa mạc để chờ đợi những cơ hội mới. Tuy nhiên, một lo ngại trực tiếp nhất là nguy cơ xung đột quy mô lớn giữa chính quyền Tổng thống Bashar Assad và phe nổi dậy ở phía tây bắc, một cuộc chiến được cho là sẽ gây ra hậu quả nặng nề.

KHẢ ANH