Lo ngại thực phẩm "đẹp nhân tạo"
(Cadn.com.vn) - Tại hội thảo quốc tế về chủ đề an toàn thực phẩm (ATTP) do Trường Đại học Đông Á phối hợp cùng Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực thực phẩm Việt Nam (VAFoST) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Thế giới (IUFoST) tổ chức tại Đà Nẵng, các chuyên gia chỉ ra rằng, các loại thực phẩm bị "thúc chín", làm tươi với sự can thiệp của hóa chất chứa độc tố đang như một ma trận trong bữa ăn của người dân.
Trái cây bị "thúc chín", thịt được "hồi sinh"
Dẫn lại những vụ ngộ độc thức ăn kèm theo hình ảnh nhúng hóa chất, thậm chí là dùng kim bơm trực tiếp để thúc chín trái cây trong thời gian qua, TS Lê Minh Hùng - Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ và Thiết bị Sau thu hoạch thuộc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch (SIAEP) cho rằng, vì lợi nhuận trong kinh doanh mà một bộ phận người kinh doanh đã quá lạm dụng việc "ép" trái cây nhanh chín để đưa ra thị trường. Theo TS Hùng, hiện có rất nhiều phương pháp ủ chín các loại trái cây, nhưng để đáp ứng yêu cầu về thời gian của khách hàng, tiện lợi cho vận chuyển cũng như đảm bảo "bắt mắt" mà nhiều đơn vị kinh doanh sử dụng phương pháp ủ chín bằng phương pháp nhân tạo, sử dụng hóa chất. "Đây là phương pháp cần thiết nhưng quan trọng là phải sử dụng hóa chất có nguồn gốc rõ ràng, với liều lượng cho phép và không ép trái cây chín trong thời gian quá ngắn", TS Hùng nhấn mạnh.
Đà Nẵng sẽ mạnh tay với thực phẩm bẩn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc và kiểm tra hóa chất trong rau củ quả. Ảnh: CK |
TS Phạm Kim Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích kỹ thuật cao Sài Gòn, giảng viên Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn lại đặc biệt quan tâm đến thực phẩm không an toàn khi "ngậm" hàm lượng lớn các loại hóa chất độc hại như chất bảo quản, chất làm trắng, tạo màu, tạo mùi, chống nấm mốc. Trong đó, sử dụng chất vàng ô để tạo màu cho dưa cải, măng hay bột "săm pết" để làm tươi thịt như một số vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua đang là một hình thức được một bộ phận người kinh doanh sử dụng phổ biến.
Theo Tiến sĩ Phương, chất vàng ô hay chất cấm Aurmine vốn là một chất nhuộm vải. Dù được xem là đứng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu nhưng vàng ô vẫn được dùng để làm cho các loại dưa, măng muối không xỉn màu mà luôn bắt mắt. Trong khi đó, bột "săm pết" - Na2SO4 hoặc Na2SO3 hoặc hỗn hợp là loại phụ gia được một số người buôn bán sử dụng để tẩy thịt ôi thiu "tươi" và "sạch" trở lại như mới để đánh lừa người tiêu dùng. Tương tự như vậy là việc dùng thuốc tẩy, đạm urê để tẩm ướp cho cá, tôm, mực.
Người tiêu dùng nhận diện như thế nào?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tứ - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Đà Nẵng cho biết, với sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố, trong thời gian qua, các cơ quan chuyên môn đã liên tục kiểm tra những cơ sở kinh doanh rau củ quả, măng dưa muối, thủy sản tại các chợ lớn trên địa bàn. Hỏi có hay không việc sử dụng hóa chất để thúc chín các loại trái cây, ông Tứ cho hay, Chi cục đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng tiến hành trinh sát tại một số vùng nhưng thành phố hiện không có các vựa trái cây nên chưa ghi nhận hiện tượng này. "Hầu hết các loại quả đều được nhập ngoại tỉnh. Chúng tôi đang tiến hành triển khai chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương có nguồn cung lớn chuyên nghiệp hóa khâu kiểm tra, đảm bảo ATTP đối với rau củ quả. Các doanh nghiệp sẽ ký kết, cam kết với nhau về chất lượng sản phẩm dưới sự chứng kiến của lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước hai địa phương. Đầu tiên là tỉnh Lâm Đồng", ông Tứ cho hay.
* Chiều 23-12, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản an toàn của tỉnh Lâm Đồng đã ký kết thỏa thuận hợp tác cung ứng nông sản an toàn cho các doanh nghiệp kinh doanh rau củ quả tại Đà Nẵng trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai địa phương. Mục tiêu của chương trình hợp tác này là hai bên cùng hình thành và phát triển chuỗi nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn TP Đà Nẵng, từ đó tạo nền tảng để mở rộng và phát triển mối quan hệ hợp tác trong phát triển KT-XH giữa hai địa phương. Lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Lâm Đồng cam kết sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành hàng nông sản hoạt động một cách an toàn, bền vững, từ đó rút ngắn được các khâu trung gian trong phân phối sản phẩm, giảm chi phí tổn thất trong quá trình tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp của hai địa phương. |
Đối với việc sử dụng chất tạo màu, chất bảo quản làm tươi sản phẩm như chất vàng ô đã được phát hiện trong măng, dưa cải tại Đà Nẵng hồi tháng 5-2016, ông Nguyễn Tứ khẳng định, lực lượng chức năng thời gian qua đã liên tục đi kiểm tra tại các chợ. Qua 2 đợt kiểm tra trên diện rộng mới đây, cơ quan chức năng ghi nhận các tiểu thương không còn sử dụng loại chất nguy hiểm này.
Về thủ thuật "hồi sinh" thịt ôi thiu bằng "biệt dược săm - pết", ông Trần Tới - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y cho hay, trong những năm qua, cơ quan chuyên môn tập trung nhiều vào việc kiểm tra chất tăng trọng, chất tạo nạc, thực hiện quy trình vận chuyển an toàn cũng như kiểm dịch đầu vào tại các trung tâm giết mổ. Còn việc làm tươi thịt ôi thiu thì lực lượng chức năng chưa kiểm tra riêng biệt và cũng chưa ghi nhận phản ánh nào từ người dân. "Vì Đà Nẵng có nhiều cơ sở cung cấp thực phẩm cho các trường học, công nhân nên việc kiểm tra này cũng là rất cần thiết. Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố và phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai", ông Tới nói.
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn như "ma trận", rất khó nhận diện, TS Phạm Kim Phương khuyến cáo người tiêu dùng một số "mẹo" để ít nhất có thể hạn chế bị đánh lừa, tiền mất tật mang đối với các loại thực phẩm thông dụng. Theo đó, khi mua trái cây nên cẩn trọng đối với những loại có màu sắc bắt mắt, độ bóng cao, vỏ chín nhưng cuống còn xanh cứng. Với các loại đồ muối như măng, dưa cải cũng nên phân biết ở hai tiêu chí là màu và mùi. Nếu có độ trắng đều, vàng đều thì cũng nên kiểm tra mùi vị. Các loại dưa thường có mùi tự nhiên rất đặc trưng cho dù có thể bị thâm, sợi không đều. Ngược lại nếu phát hiện mùi lạ, hắc khét thì nên tránh vì nhiều khả năng được sấy hoặc ngâm lưu huỳnh, trắng đáng ngờ thì ngâm hóa chất tẩy, vàng đậm bắt mắt thì nhiều khả năng ngậm chất vàng ô. Với thịt, nên lựa chọn loại hồng tươi tự nhiên, có độ đàn hồi cao, nếu thấy có màu đỏ tươi khác thường, sáng bóng, ấn vào có rỉ nước và không đàn hồi thì nên tránh.
Bảo Nam