Lộ rõ chân tướng

Thứ tư, 23/10/2019 11:17

Cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria đang tạm dừng theo lệnh ngừng bắn do Mỹ đứng trung gian cho đến cuối ngày 22-10 (giờ địa phương). Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara sẽ đưa ra các bước đi “cần thiết” tiếp theo tại vùng đông bắc Syria sau khi ông gặp người đồng cấp Vladimir Putin, diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Sochi, miền Nam nước Nga. Dù chưa rõ cuộc chiến này sẽ đi đến đâu và sẽ diễn biến tiếp theo như thế nào, bản thân nó cho đến nay đã tiết lộ sự chia rẽ sâu sắc kéo dài giữa Ankara và một số quốc gia Arab.

Sau một cuộc họp khẩn cấp được Ai Cập kêu gọi nhằm lên án cuộc tấn công của Ankara, Liên minh Arab (AL) nhấn mạnh, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “cuộc xâm chiếm đất đai của một quốc gia Arab và xâm lược chủ quyền của nước này”. AL cũng đe dọa trừng phạt của Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp chỉ trích mạnh mẽ này, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn nhận được một loạt các chỉ trích quốc tế vì cuộc tấn công lần này ở Syria, lên tiếng bác bỏ, nói rằng, AL đã xuyên tạc hoạt động quân sự của họ và khẳng định, liên minh này không phải là tiếng nói của thế giới Arab.

Trong phản ứng mạnh mẽ nhất, Tổng thống Erdogan, vừa chỉ trích liên minh gồm 22 thành viên này thiếu sự hỗ trợ cho người Syria bị ảnh hưởng bởi xung đột, vừa đặt ra câu hỏi “có bao nhiêu người tị nạn Syria được các quốc gia Arab chào đón”. Nhà lãnh đạo này đồng thời nhắc nhở rằng, đất nước của ông đang tiếp đón 3,6 triệu người tị nạn Syria kể từ khi nước này rơi vào nội chiến năm 2011. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ bác bỏ những chỉ trích của các nước Arab và phương Tây đối với hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Ai Cập và Saudi Arabia.

Sự thù địch của khối Arab đối với hành động quân sự của Ankara làm bùng nổ làn sóng chống AL trên khắp phương tiện truyền thông xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết chỉ trích AL chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập và Saudi Arabia, hai quốc gia phản đối trục xoay Trung Đông của Tổng thống Erdogan. Họ cũng chỉ ra rằng AL không có cơ chế thực sự để gây áp lực đáng kể đối với Ankara và hầu hết các quốc gia Arab sẽ không xem xét rút các khoản đầu tư sinh lợi ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bị AL “lừa dối” sau tuyên bố này, mặc dù một số quốc gia như Qatar, một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, đã bác bỏ. Nhưng rõ ràng, tuyên bố lên án tập thể của các nước Arab vì hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã phơi bày những mâu thuẫn sâu xa giữa Ankara và một số quốc gia Arab như Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Và đây được xem là đỉnh điểm của bầu không khí khác biệt chính trị ở Trung Đông.

THANH VĂN