Lo sạt lở bờ kè, dân "ngăn sông, cấm thuyền"
(Cadn.com.vn) - Trong 2 ngày 18 và 19-2, người dân thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong, TX Điện Bàn, Quảng Nam) sử dụng cọc tre và thân tre đóng xuống lòng sông và giăng ngang khoảng 15m (tính từ bờ phía Đông) ra mặt sông Vĩnh Điện đoạn chảy qua thôn Cẩm Đồng ngăn không cho tàu thuyền qua lại.
Ngày 20-2, có mặt tại khu vực trên, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng được nhiều người dân địa phương cho hay, đây là biện pháp bất đắc dĩ nhằm ngăn chặn tình trạng các thuyền chở cát chạy gần bờ, gây sạt lở bờ kè, đất sản xuất... Họ chỉ ngăn sông vào ban đêm để ngăn chặn những thuyền khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành, chủ thuyền hút cát: Việc ngăn sông này không cho thuyền hút cát trái phép hoạt động đã đành nhưng những thuyền chở cát từ các mỏ được Nhà nước cho phép ra TP Đà Nẵng tiêu thụ cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trên đoạn sông này người dân còn tự xây dựng 2 cầu tre bắc qua sông cũng làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các loại phương tiện. Theo ghi nhận tại hiện trường, do lòng sông bị ngăn nên có hơn 50 ghe chở cát bị ùn tắc ngay đầu vàm sông Thu Bồn.
Hơn 50 ghe bị ùn tắc tại đầu vàm sông Thu Bồn. |
Làm việc cùng ông Lê Lai - Chủ tịch UBND xã Điện Phong, chúng tôi được biết: Tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Vĩnh Điện (đoạn chảy qua thôn Cẩm Đồng) xảy ra đã khá lâu, buộc chính quyền địa phương phải tổ chức di dời hơn 100 hộ dân đến nơi ở mới. Trước thực trạng này, năm 2003, Nhà nước đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng 1,2km bờ kè phía Đông sông Vĩnh Điện. Mùa lũ năm 2015, đoạn sông này có dấu hiệu lở ở bờ Đông và bồi lấp cát ở bờ Tây. Hiện tại, bờ kè này có 2 đoạn bị sạt lở, một đoạn dài 200m ngay tại khu vực miếu Bà Cẩm Đồng và 1 đoạn dài 50m tại khu vực đầu vàm sông Thu Bồn. Do lòng sông phía Tây bị bồi nên tất cả tàu thuyền qua đây phải đi sang phía bờ Đông. Khi thủy triều xuống, lòng sông càng bị thu hẹp như một con lạch với chiều ngang khoảng 15m là có thể lưu thông được. Đồng thời, bối cảnh thực tế là các tàu thuyền chở cát có khối lượng từ 80- 100m3, sử dụng động cơ công suất lớn và độ giãn nước cao nên khi lưu thông qua đây đã làm ảnh hưởng đến độ an toàn và gây sạt lở bờ kè. Để hạn chế tình trạng sạt lở, tháng 4-2016, người dân đã tự ý dùng tre rào mặt sông, không cho tàu thuyền qua lại nên chính quyền địa phương phối hợp cùng Hạt quản lý đường thủy Quảng Nam tổ chức nạo vét lòng sông. Mùa lũ năm 2016, tình trạng bồi lấp này lại tái diễn và hiện nay người dân tiếp tục dùng tre rào mặt sông ở bờ Đông để ngăn chặn các phương tiện chở cát đi sát phía bờ Đông gây sạt lở. "Việc nhân dân dùng tre rào mặt sông là do tự phát, chính quyền không hề hay biết...", ông Lai nói. Còn về việc người dân làm cầu tre bắc qua sông, theo Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong Dương Hiển Công, người dân thôn Cẩm Đồng làm 2 cầu tre bắc qua sông là do nhu cầu của hơn 300 hộ dân trong việc canh tác 35 ha đất nà ở bên kia sông. Dù có ảnh hưởng ít nhiều đến việc giao thông đường thủy nhưng chính quyền không thể can thiệp, chỉ mong Nhà nước đầu tư xây dựng 1 cầu treo kiến cố để người dân qua lại an toàn hơn.
Người dân thôn Cẩm Đồng đang làm cầu tre bắc qua sông Vĩnh Điện. |
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Phạm Văn Sơn - Hạt trưởng Hạt quản lý đường thủy Quảng Nam cho biết: Sẽ kiểm tra sự việc để có báo cáo cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Quảng Nam để sớm có phương án nạo vét lòng sông Vĩnh Điện, tránh việc người dân tự ý rào chắn mặt sông nhằm đảm bảo việc an toàn giao thông đường thủy và không gây sạt lở bờ kè, làm thiệt hại về tài sản Nhà nước và nhân dân.
Theo chúng tôi, việc người dân thôn Cẩm Đồng tự ý rào chắn mặt sông Vĩnh Điện, không cho tàu thuyền chở cát đi qua để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ kè chỉ là biện pháp tạm thời, trước mắt. Việc làm này ảnh hưởng xấu đến TTATGT đường thủy nội địa. Do vậy, để người dân khỏi bức xúc đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Cụ thể, tổ chức tuần tra, bắt giữ các loại phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn; bắt buộc các phương tiện khi qua đoạn sông này phải chạy đúng tốc độ quy định và đúng trọng tải; tổ chức nạo vét, khơi thông luồng lạch...
M.T