Lo sợ biến thể Delta, nhiều nước tiêm mũi thứ 3 cho người dân

Thứ ba, 17/08/2021 21:43

Trên thế giới, một số quốc gia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng liều thứ 3 cho người dân dựa trên lo ngại khả năng bảo vệ từ những liều vaccine ban đầu có thể giảm dần theo thời gian. Họ cũng tin rằng liều vaccine tăng cường sẽ giúp ngăn ngừa biến thể Delta, đặc biệt với nhóm người lớn tuổi hoặc có hệ miễn dịch yếu.

Hai loại vaccine được FDA cấp phép tiêm tăng cường cho những người có hệ miễn dịch yếu. Ảnh: Reuters

Tờ New York Times ngày 17-8 dẫn lời hai quan chức cho biết, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đi đến quyết định hầu như toàn bộ người dân Mỹ cần tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường sau 8 tháng tính từ thời điểm hoàn tất mũi tiêm thứ hai. Việc triển khai tiêm mũi thứ 3 có thể bắt đầu sớm nhất là vào giữa tháng 9 tới. Dự kiến, quyết định được công bố trong tuần này. Mục đích là để người dân Mỹ hiểu rằng mỗi người cần có thêm một lớp phòng vệ để chống lại biến thể Delta vốn là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát và lây nhiễm mạnh tại Mỹ hiện nay. Nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm tăng cường sẽ là người ở viện dưỡng lão, nhân viên y tế và sau đó là người già. Người tiêm mũi tăng cường sẽ sử dụng chính loại vaccine tiêm trước đó.

Hôm 12-8, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer Inc và Moderna làm liều tăng cường cho những người có hệ miễn dịch yếu. Giới chức y tế của chính phủ ước tính rằng điều đó sẽ áp dụng cho dưới 3% dân số Mỹ trưởng thành, song nhiều khả năng chính sách tiêm mũi tăng cường sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.  Đối với những người đã nhận được vaccine một liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson, những người này cũng sẽ cần thêm một mũi tăng cường thứ 2. Tuy nhiên, người sử dụng vaccine của Johnson & Johnson sẽ phải đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng mũi thứ 2 của Johnson & Johnson, dự kiến sẽ được công bố cuối tháng 8 này.

Tại Nhật Bản, phát biểu trên một chương trình truyền hình của Nippon TV, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono - người phụ trách chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản - thông báo đã có đủ vaccine để tiêm mũi bổ sung cho những người đã hoặc sẽ tiêm hai mũi vaccine của Pfizer hoặc Moderna vào cuối năm nay. Theo Bộ trưởng Kono, Chính phủ Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 50 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Moderna trong năm 2022. Bên cạnh đó, Nhật Bản và hãng Pfizer  đã “nhất trí về việc cung ứng vaccine cho chương trình tiêm mũi bổ sung”.  Tuy nhiên, Bộ trưởng Kono cho biết chính phủ sẽ cân nhắc tiêm mũi bổ sung chủ yếu cho các nhân viên y tế và người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu.

Nên hay không nên?

Quyết định tiêm liều thứ 3 cho người dân của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh một số quan chức nước này tỏ ra đặc biệt quan ngại trước những dữ liệu khảo cứu tại Israel, cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer trước biến thể Delta suy giảm đáng kể theo thời gian, nhất là đối với nhóm người cao tuổi. Những quan chức này cho rằng Israel có thể là mẫu hình với Mỹ, bởi Israel là nước triển khai chiến dịch tiêm tăng cường sớm và gần như chỉ sử dụng vaccine Pfizer. Dữ liệu mới nhất được Israel công bố trên website của chính phủ nước này hôm 16-8 cho thấy hiệu quả của vaccine giảm theo thời gian tính từ thời điểm kết thúc mũi tiêm thứ hai, cả về khả năng chống lây nhiễm không triệu chứng, bệnh nhẹ nói chung lẫn ngừa bệnh tăng nặng ở nhóm người cao tuổi.

Phát hiện này cũng phù hợp với đánh giá của Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla đưa ra hồi tháng 7 về hiệu quả của vaccine, dù mức sai số có thể khác nhau so với nghiên cứu của phía Israel. Dựa trên kết quả nghiên cứu ở 44.000 người tại Mỹ và nhiều nước khác, lãnh đạo Pfizer cho biết độ hiệu quả của vaccine giảm xuống còn 84% sau từ 4-6 tháng, so với mức 96,2% tối đa đạt được sau 1 tuần đến 2 tháng kể từ khi tiêm liều thứ hai. Đây là lý do chính để Pfizer đưa ra đề nghị về tiêm mũi thứ ba bổ sung.

Hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech hôm 16-8 đã đệ trình giới chức y tế Mỹ dữ liệu kết quả thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của hãng này. Kết quả cho thấy, mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba giúp tăng đáng kể lượng kháng thể ở người sử dụng. Đây là một phần trong nỗ lực của Pfizer và BioNTech nhằm đề nghị cơ quan chức năng Mỹ cấp phép việc tiêm bổ sung liều vaccine thứ 3 cho toàn bộ người dân Mỹ để tăng mức độ bảo vệ trước các biến chủng của virus SARS-CoV-2. Dự kiến, trong những tuần tới, Pfizer và BioNTech cũng sẽ đệ trình giới chức y tế Châu Âu hiệu quả của mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ 3 của hãng này.

Tuy nhiên, hiện các nhà khoa học vẫn có ý kiến chia rẽ về việc mở rộng tiêm mũi thứ 3 tăng cường cho người không có vấn đề về sức khỏe cũng như những lợi ích của mũi vaccine tăng cường này chưa được làm rõ. Giới chức y tế công cộng vẫn chưa thể khẳng định có cần thiết phải tiêm liều vaccine tăng cường cho người dân nói chung hay không. Hiện vẫn có rất ít dữ liệu về rủi ro hay lợi ích của việc tiêm liều thứ 3, và chiến lược này cũng gây tranh cãi nhất định khi nó có thể ảnh hưởng tới nguồn cung vaccine toàn cầu, khiến những nước thu nhập thấp và trung bình khó tìm được nguồn cung vaccine để tiêm cho toàn dân. 

Jason Gallagher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Dược thuộc Đại học Temple, cho biết: “Có lẽ việc tiêm mũi tăng cường là không cần thiết. Việc tiêm liều thứ 4 dường như là lãng phí và liều thứ 3 có lẽ là không cần thiết đối với nhiều người”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã kêu gọi các quốc gia hoãn việc tiêm mũi tăng cường cho người dân, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải chờ đợi để có những liều vaccine đầu tiên.

T.NGỌC