Lo sợ hiệu ứng domino

Thứ hai, 02/04/2018 12:00

Lo ngại bùng nổ nhiều rắc rối, quân đội Israel đã nổ súng trước khi cuộc biểu tình ở biên giới Gaza bắt đầu. Bộ Y tế Palestine cho biết, Omar Samour, một nông dân 31 tuổi, đang làm rau trên cánh đồng của mình gần Khan Yunis vào sáng 30-3 thì bị trúng đạn thiệt mạng. Một nông dân khác bị thương.

Quân đội Israel sau đó không ngần ngại thừa nhận đã tấn công các khu vực của Hamas bằng hỏa lực từ xe tăng và các máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, phía Tel Aviv khẳng định, các binh sĩ nổ súng “đáp trả” những kẻ tấn công. Các vụ tấn công nói trên diễn ra sau khi các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Dải Gaza cũng gây ra nhiều vụ đụng độ giữa người biểu tình Palestine và các lực lượng Israel ở dọc hàng rào biên giới, khiến 12 người Palestine thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Nhưng cái chết của nạn nhân Samour là dấu ấn đau buồn về những gì sắp diễn ra khi đã có nhiều cảnh báo về khả năng leo thang xung đột trong vài tuần tới. Nhưng một câu hỏi lớn hơn là liệu cuộc chiến tranh nóng Israel - Palestine lần này có dẫn đến một cuộc khủng hoảng rộng lớn ở Lebanon, Syria và Iran?

Sự vắng mặt của một tiến trình hòa bình đáng tin cậy đã củng cố cuộc đối đầu gần đây nhất, như đã xảy ra vào năm 2000 khi nổ ra Phong trào Intifada lần thứ 2 và một lần nữa trong năm 2014. Một lần nữa, Hamas và những người ủng hộ Gaza, bị Israel và Ai Cập phong tỏa đang sử dụng các cuộc biểu tình hàng loạt để chấm dứt sự cô lập. Một lần nữa, các nhà lãnh đạo cánh hữu của Israel, không muốn hoặc không thể “chiêm ngưỡng” giải pháp của hai quốc gia, đã sử dụng bạo lực không cân xứng.

Sự khác biệt nguy hiểm bây giờ là thời gian và bối cảnh. Thứ sáu là ngày đánh dấu bắt đầu 6 tuần lễ của các cuộc biểu tình nhằm kỷ niệm 70 năm ngày Nakba (ngày 15-5), theo nghĩa đen là thảm họa của người Palestine, theo sau tuyên bố độc lập của Israel vào ngày 14-5-1948. Mỹ cũng sẽ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem trong tháng 5, công nhận thành phố này là thủ đô có chủ quyền của Israel và bỏ qua những tuyên bố của Palestine.

Nói tóm lại, bây giờ đã bắt đầu một vụ mùa xuân đang bốc cháy. Và tiền lệ lịch sử cũng cho thấy, các cuộc đối đầu như thế này thường tạo ra các phản ứng tiêu cực ở toàn khu vực Trung Đông. Nỗi lo lớn nhất là Lebanon, nơi Hezbollah, kẻ thù của Israel và đồng minh thân cận của Iran, đang chiến đấu chống chính phủ. Nếu bạo lực ở Gaza tiếp tục lan rộng, Hezbollah có thể sẽ phải can thiệp. Lãnh đạo của Iran nhiều lần cảnh báo, không giống như cuộc chiến tranh Lebanon cuối cùng năm 2006, Tehran sẽ trực tiếp hỗ trợ Hezbollah trong bất cứ cuộc chiến nào.

Và còn vấn đề phiền nhiễu khác ở tận nước Mỹ xa xôi. Vào ngày 12-5, Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ bác bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran – và hệ quả là có khả năng lật đổ toàn bộ “ngôi nhà” Trung Đông.

THANH VĂN