Lộ trình chính trị

Thứ tư, 24/02/2016 10:04

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-2, tại thủ đô Kabul, vòng 4 cuộc đàm phán 4 bên - gồm Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc và Mỹ - đã chính thức khai mạc. Nội dung trọng tâm của bàn đàm phán lần này là bàn về tiến trình hòa bình của Afghanistan và chuẩn bị lộ trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Nam Á này.

Vòng 3 của cuộc đàm phán 4 bên được tổ chức tại thủ đô Islamabad của Pakistan hôm 6-2, trong đó kêu gọi Taliban tham gia tiến trình hòa bình này. Cuộc hội đàm tại thủ đô Kabul lần này được định hình để thông báo về lộ trình đưa Taliban vào bàn đàm phán với chính phủ Afghanistan nhằm nỗ lực chấm dứt cuộc chiến giữa hai bên và thiết lập một ngày đàm phán Kabul - Taliban. Sau cuộc họp hôm 6-2, các đại biểu thống nhất hướng đến nỗ lực này nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình Afghanistan - vốn đã trật đường ray trong mùa hè năm 2015 do thông báo về cái chết của lãnh đạo Taliban Mullah Mohammed Omar - người được cho lã đã chết hơn 2 năm trước.

Nỗ lực của chính quyền Kabul được thể hiện mạnh mẽ trong bài phát biểu khai mạc nhận được sự tán thưởng lớn. "Afghanistan sẽ không tiếc công sức theo đuổi hòa bình bền vững và chính đáng cho đất nước", Ngoại trưởng Salahudin Rabbani nói. Ông cũng bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán 4 bên này có thể giúp tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán trực tiếp với các đại diện được Taliban và chính phủ Afghanistan ủy quyền.

Các cuộc họp về tiến trình hòa bình cho Afghanistan nhằm thiết lập một lộ trình cho các cuộc đàm phán hòa bình chính thức trong bối cảnh cuộc nổi dậy của Taliban ở Afghistan hiện đang bước qua năm thứ 15. Dù thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố, các giới chức thân cận cho biết, chính quyền Kabul ra yêu cầu tiên quyết Taliban phải giảm những vụ tấn công bạo lực cực đoan như một dấu hiệu của sự chân thành.

Trong khi quá trình này có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm, các cuộc họp sơ bộ - mà không bao gồm sự hiện diện của Taliban - đang thiết lập các điều kiện cho một thỏa thuận, trong đó có việc Taliban phải công nhận hiến pháp và chủ quyền của Afghanistan. 4 quốc gia trên đã kêu gọi Taliban tham gia đàm phán hòa bình với Kabul và khẳng định mong muốn hai bên làm việc hướng đến nỗ lực cắt giảm bạo lực đã giết chết hàng ngàn dân thường Afghanistan kể từ khi bùng nổ nổi dậy.

Tuy nhiên, mâu thuẫn sâu sắc giữa Afghanistan-Pakistan về Taliban  thật sự đang phủ bóng lên bàn đàm phán khiến người ta lo ngại về một kết cục không như mong đợi. Các thủ lĩnh Taliban, vốn chạy trốn qua biên giới Pakistan để thoát khỏi cuộc xâm lược của Mỹ năm 2001, được cho là được giới chức Islamabad hỗ trợ, đặc biệt là Cơ quan tình báo ISI. Dù Pakistan phủ nhận cáo buộc này, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vẫn cho rằng, Islamabad sử dụng Taliban như là một lực lượng đại diện cho chính sách ngăn chặn lợi ích khu vực của Kabul, trong đó chủ yếu là sử dụng quyền lực mềm và tăng cường  viện trợ.

Thanh Văn