Loại mìn Mỹ gửi cho Ukraine: Nguy hiểm đến mức 150 nước cấm dùng
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn việc gửi mìn chống bộ binh tới Ukraine khi ông tìm cách tăng cường hỗ trợ Kiev trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.
Quyết định được đưa ra sau khi một số quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Mỹ chế tạo, như tên lửa ATACMS, để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga.
Theo Sky News và The Washington Post, mìn chống bộ binh có lịch sử lâu đời và gây tranh cãi. Hơn 150 quốc gia đã cấm sử dụng loại mìn này, song điều đáng chú ý là Mỹ và Nga không cấm.
Mìn chống bộ binh là gì?
Mìn chống bộ binh là những quả mìn nhỏ được chôn hoặc đặt trên mặt đất nhằm gây thương vong cho đối phương. Chúng có thể được kích nổ bằng cách tiếp xúc vật lý với một người ở gần hoặc từ xa.
Một số loại được chế tạo để phá hủy xe bọc thép (mìn chống tăng) trong khi một số loại khác được chế tạo để gây tổn hại cho quân đối phương (mìn chống bộ binh).
Mìn có thể được sử dụng cho nhiều mục đích bao gồm bảo vệ các cơ sở, chuẩn bị phục kích, buộc lực lượng đối phương phải di chuyển theo một tuyến đường hẹp để có thể tập trung hỏa lực và yểm trợ cho cuộc rút lui.
Một số loại mìn có giới hạn thời gian nên sẽ không còn tác dụng sau một khoảng thời gian nhất định, nhưng một số loại khác có thể vẫn nguy hiểm trong nhiều thập kỷ sau khi được đặt.
Mìn chống bộ binh gây ra tác hại lâu dài
Loại mìn Mỹ cung cấp cho Ukraine không phân biệt ai là lính ai là dân thường và có thể khiến nạn nhân bị thương suốt đời. Loại mìn này thường được thiết kế để gây thương tích hơn là làm tử vong, nhằm áp đảo lực lượng hậu cần và nguồn lực y tế của đối phương.
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết mìn chống bộ binh hay mìn chống người gây ra thương tích và tác hại lâu dài. "Ô nhiễm mìn khiến nhiều khu vực đất đai không thể dùng được, ảnh hưởng tới sản xuất lương thực và phá hủy sinh kế. Tác động của mìn chống bộ binh đối với cộng đồng thường kéo dài nhiều thập niên".
Một quan chức Mỹ cho biết, loại mìn chống bộ binh mà nước này cung cấp cho Ukraine không bền và "bị trơ" sau một khoảng thời gian được thiết lập từ trước.
Tuy nhiên, Hội Chữ thập đỏ cho biết ngay cả những loại mìn thông minh này cũng gây nguy hiểm cho dân thường khi chúng được kích hoạt.
Hơn 150 quốc gia đã cam kết cấm sử dụng, sản xuất, tích trữ và chuyển giao chúng thông qua Công ước cấm mìn chống bộ binh năm 1997, còn được gọi là Hiệp ước Ottawa. Song điều đáng chú ý là một số cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc không ký kết hiệp ước. Ukraine có tham gia hiệp ước nhưng đã tuyên bố có thể rút khỏi hiệp ước vì nhu cầu quân sự.
Theo Vietnamnet