Loay hoay giải bài toán sản phẩm lưu niệm du lịch
(Cadn.com.vn) - Nhằm sớm tìm ra những sản phẩm lưu niệm chủ lực phục vụ phát triển du lịch Đà Nẵng theo định hướng phát triển của thành phố, kể từ năm 2012, UBND TP Đà Nẵng ban hành 2 quyết định về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng lưu niệm du lịch cộng với nhiều cuộc họp mổ xẻ tìm giải pháp phát triển.
Một số doanh nghiệp (DN) tổ chức, cá nhân cũng vào cuộc đầu tư sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch nhưng hầu như đến nay các sản phẩm lưu niệm du lịch vẫn còn nghèo nàn, phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Một số sản phẩm được đầu tư khá công phu nhưng chưa được du khách biết nhiều. Trong ảnh: Lãnh đạo TP xem các mặt hàng lưu niệm “made in Đà Nẵng”. |
Chính sách trúng và đúng!
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết từng nhấn mạnh: Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của cả nước, là điểm đến hấp dẫn. Do đó, mục tiêu phát triển của TP Đà Nẵng đến năm 2020 là đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Việc phát triển du lịch nói chung và sản phẩm lưu niệm nói riêng là rất cần thiết đối với Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, năm 2012 Đà Nẵng ban hành các chính sách ưu đãi lớn để hỗ trợ, kêu gọi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân, các hiệp hội ngành nghề trong cả nước đầu tư sản xuất hàng lưu niệm “made in Đà Nẵng”. Trong đó, hỗ trợ đến 50% vốn, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí đào tạo, mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại,...
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, thành phố đã “đặt hàng” cho các tổ chức, cá nhân gánh vác “sứ mệnh” nghiên cứu, chế tác các mẫu sản phẩm nhằm phục vụ phát triển du lịch bằng các chính sách hỗ trợ phát triển và qua nhiều lần mời gọi, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia, đến nay đã có 12 đơn vị được UBND TP phê duyệt tham gia chương trình phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch với kinh phí hỗ trợ gần 250 triệu đồng, đa số các DN sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, mây, tre, cát, vỏ ốc, đá thạch anh, đá thiên nhiên có biểu tượng Đà Nẵng. Tuy nhiên, cả thành phố vẫn chưa có sản phẩm nào xứng tầm, đạt được các tiêu chuẩn đề ra, hầu hết vẫn còn ở dạng thử nghiệm và thăm dò thị trường, đầu ra sản phẩm còn hạn chế, năng lực sản xuất kinh doanh còn yếu kém.
Cũng theo bà Mai, Đà Nẵng là địa phương duy nhất cả nước có chính sách hỗ trợ lớn cho phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch và tháng 9-2014, UBND TP có ban hành Quyết định mới “nới” thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các tổ chức, cá nhân tham gia nhưng từ đó đến nay chưa có đơn vị, cá nhân nào tiếp nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí này. Tuy nhiên, mới đây có 1 đơn vị sản xuất hàng lưu niệm từ TP Hồ Chí Minh xem thông tin trên mạng đã gửi các sản phẩm mũ, túi xách, khung cảnh có dòng chữ Đà Nẵng,... làm từ xơ mướp kèm theo Công văn xin được tham gia chương trình và Sở Công Thương đang xem xét trình Hội đồng thẩm định.
Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, với mục tiêu phát triển Đà Nẵng trở thành phố du lịch, hấp dẫn du khách thì chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch rất trúng và đúng. Tuy nhiên, cách làm thì chưa có tính đột phá hoặc chưa đồng bộ.
Hàng lưu niệm Đà Nẵng đang thiếu điểm trưng bày và bán cho du khách. Trong ảnh: Bán hàng lưu niệm tại Bến du thuyền DHC. |
Bao giờ mới có trung tâm mua sắm các sản phẩm lưu niệm?
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các đơn vị được hỗ trợ sản xuất sản phẩm lưu niệm thì vấn đề quan trọng nhất cần được hỗ trợ hiện nay là địa điểm trưng bày và bán sản phẩm. Ông Nguyễn Thành Thái, Giám đốc Cty mỹ nghệ Phố Hội (chuyên sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ từ đồ gỗ tận dụng) kiến nghị thành phố cần phải thành lập trung tâm trưng bày tại trung tâm để thu hút sự quan tâm mua sắm của người dân địa phương và du khách. Tương tự, ông Trần Thanh Lâm, Giám đốc Cty Quà tặng Đại Dương bày tỏ chính quyền TP nên hỗ trợ các DN mặt bằng giới thiệu và bán sản phẩm...
Quà lưu niệm không chỉ làm gia tăng giá trị thặng dư cho ngành du lịch mà còn là một cách thức hữu hiệu để quảng bá hình ảnh thành phố ra bên ngoài. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Cty Trúc Xanh (chuyên sản xuất các sản phẩm lưu niệm từ đá thiên nhiên). Theo bà Huyền, mỗi năm Đà Nẵng có khoảng 3 - 4 triệu khách du lịch mỗi khách chỉ cần mua 1 đến 2 sản phẩm lưu niệm nhỏ thôi thì cũng đã thành công cho các đơn vị sản xuất hàng lưu niệm như chúng tôi, vấn đề là DN tiếp tục nỗ lực xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, thì thành phố cũng cần có điểm trưng bày bán sản phẩm phù hợp để người dân và du khách biết mà mua sắm.
Tháng 5-2013, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng lưu niệm du lịch với các sở, ban ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết chỉ đạo các ngành phối hợp với các DN dành toàn bộ diện tích tầng 3 (miễn phí) của Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Đà Nẵng để mở một trung tâm chuyên giới thiệu, mua bán hàng lưu niệm du lịch cho các DN, đồng thời nghiên cứu hỗ trợ mở thêm một điểm ngay tại chợ Hàn (nơi thường xuyên đón nhiều khách du lịch) để các DN sản xuất hàng lưu niệm hợp tác mở ki-ốt giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm và ký kết các hợp đồng với khách hàng...
Đến tháng 12-2013, tại cuộc họp với các sở, ban ngành thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương đồng ý chủ trương và giao Sở Công Thương phối hợp với Sở Xây dựng, Sở VH–TT&DL hình thành một trung tâm mua sắm các sản phẩm lưu niệm du lịch tập trung ngay tại trung tâm vừa phục vụ du khách vừa tạo nên một môi trường mua sắm chuyên nghiệp trên đường Hùng Vương (tại các ki-ốt chợ Hàn mặt tiền đường Hùng Vương)... Tuy nhiên, đến nay vẫn chỉ là chủ trương trên giấy, trong khi đó DN thì cứ trông chờ vào điểm trưng bày, giới thiệu và bán hàng lưu niệm để khơi thông đầu ra cho sản phẩm.
Xuân Đương