Lọc dầu Dung Quất bị đối xử bất công?
(Cadn.com.vn) - 7 năm đi vào vận hành sản xuất, kinh doanh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đạt được những hiệu quả về kinh tế nhất định. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng đang làm cho những cơ chế của nhà máy này lộ dần những bất cập cần điều chỉnh.
“Dung Quất thực sự đang phải đối diện với nhiều khó khăn-những khó khăn đến từ cơ chế, chính sách chứ không phải đến từ quá trình quản lý, vận hành nhà máy”- Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang chia sẻ. Đó là từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu xăng từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 20% về 10% và thuế nhập khẩu diesel giảm về 0% theo lộ trình đã định sẵn. Ngoài ra, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc cũng được đưa về mức 10% theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Trong khi đó, theo một cơ chế rất đặc thù, sản phẩm xăng dầu Nhà máy lọc dầu Dung Quất bán ra thị trường nội địa phải nộp điều tiết dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu chung và mức thuế họ đang chịu là 20%.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa. |
Chưa vội đi vào vấn đề nhà máy có nguy cơ đóng cửa hay không, ông Giang hỏi lại ngay: “Nếu anh nhập sản phẩm, một bên là thuế suất 10% và bên kia là 20%, anh sẽ nhập bên nào?... Rõ ràng là chọn bên 10% rồi. Không có gì khó hiểu khi mà các đầu mối tiêu thụ xăng dầu nhập sản phẩm của đối tác khác mà chỉ Hợp đồng lấy sản phẩm cầm chừng với BSR trong những tháng đầu năm 2016”. Ông Giang phân tích thêm: điều này dẫn tới giá sản phẩm xăng của nhà máy cao hơn 4,87 USD/thùng so với giá sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc. Dung Quất vì thế gặp khó, sản phẩm của Dung Quất khó tiêu thụ cũng là điều tất yếu.
* Sau 7 năm vận hành sản xuất và kinh doanh, BSR đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 120 nghìn tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD). Tỷ trọng thu ngân sách hàng năm từ BSR chiếm khoảng 80-90% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ tính riêng năm 2014, BSR đã đóng góp vào tổng thu ngân sách quốc gia khoảng 3%, cơ cấu sản phẩm do nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất sản xuất từng bước được đa dạng hóa. Ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện nay BSR đã nghiên cứu và sản xuất thành công các loại sản phẩm mới như: Xăng nhiên liệu sinh học E5-RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu Diesel L-62 dùng cho quốc phòng. Nhập thành công hơn 36 triệu tấn dầu thô; chế biến và xuất bán hơn 32,5 triệu tấn sản phẩm; chất lượng sản phẩm luôn được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và thương mại. Tính từ năm 2010 đến nay, Dung Quất có năm lỗ, năm lãi (đỉnh cao là năm 2013 lãi 3.000 tỷ đồng). Kết thúc năm 2015 tình hình sản xuất kinh doanh của BSR khá khả quan khi đạt tổng doanh thu hợp nhất là 94.400 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm; lợi nhuận nhất sau thuế năm 2015 đạt 5.690 tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch. |
Đó cũng chính là lý do vì sao các khách hàng lớn của Dung Quất tiếp tục giảm mạnh khối lượng mua hàng của Dung Quất, như: Petrolimex chỉ đăng ký mua 80.000m3 diesel/tháng, bằng 2/3 so với khối lượng 120.000m3/tháng mà họ thường mua trước đây. Và để đảm bảo việc cung cấp hàng hóa cho các tháng sau Tết không bị gián đoạn, BSR đã đàm phán với Petrolimex và các khách hàng lớn về phụ phí cho các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có sự điều chỉnh về thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với các sản phẩm của BSR nên tất cả các khách hàng đã đề nghị BSR tiếp tục giảm giá. Điều đó dẫn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của BSR năm 2016 gặp nhiều rủi ro.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng nêu rõ: Trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xăng dầu chiếm hơn 90% tổng sản lượng sản phẩm của toàn Nhà máy nên việc không tiêu thụ được sản phẩm xăng dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của Nhà máy và hiệu quả sản xuất-kinh doanh của BSR. Mặt khác với mức chênh lệch thuế suất quá lớn như hiện nay sẽ dẫn đến việc các khách hàng đầu mối tập trung nhập khẩu với chi phí vận chuyển và phụ phí cao, sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dù đã giảm mức phụ phí cũng không thể cạnh tranh được.
“Hơn 20 công văn, văn bản từ BRS và PVN gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Văn phòng Chính phủ nói rõ phải điều chỉnh gấp lại thuế, nếu không thì các đầu mối xăng dầu sẽ không mua sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất ra nữa. Cùng một mặt hàng mà nhập khẩu 0%, sản phẩm của Dung Quất bị đánh thuế 10%, đắt quá, ai mua. Hội nhập là một chuyện, nhưng Nhà nước có chính sách bảo trợ sản xuất trong nước, chính sách đó là xuyên suốt. Ở đây, BSR cũng không xin được bảo trợ mà chỉ xin công bằng, bình đẳng, một cuộc chơi sòng phẳng với mặt hàng nhập khẩu khi tham gia hội nhập. Sản phẩm diesel nhập về 0% thì cũng phải đánh thuế mặt hàng tương tự của nhà máy lọc dầu Dung Quất là 0%. Xăng nhập từ Hàn Quốc đã xuống 10% rồi, sắp tới nhập về từ Nhật Bản cũng vậy, trong khi vẫn đánh thuế sản phẩm xăng từ Dung Quất 20% thì đương nhiên cả dầu diesel và xăng đắt hơn giá nhập khẩu 10%. Các đầu mối sẽ lựa chọn các mặt hàng rẻ hơn, không mua sản phẩm từ Dung Quất, sản phẩm tồn kho, nhà máy giảm công suất chế biến và bước cuối cùng là đóng cửa”- ông Giang khẳng định.
Quang Minh