Lợi bất cập hại
(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng di cư đang chấn động Châu Âu đã "xoay trục" nước Đức. Liệu chính sách tị nạn mở rộng của Thủ tướng Angela Merkel đã làm thay đổi hay hủy hoại hình ảnh nước Đức? Đó là câu hỏi mà có lẽ khó có thể trả lời trong một sớm một chiều.
Trong 2 tháng qua, hình ảnh chân dung của Thủ tướng Đức Angela Merkel liên tục thay đổi, từ việc được phác họa như một "nhân vật phản diện nhẫn tâm" trong cuộc khủng hoảng nợ của Châu Âu đến một nữ anh hùng trong mắt những người tị nạn muốn tìm nơi trú ẩn tại "lục địa già". Người di cư tôn sùng và biết ơn vì chính sách mở rộng cửa đón họ của Berlin trong khi nhiều nước Châu Âu khác không ngừng chỉ trích Đức.
Và trên thực tế, trong khi các cuộc khủng hoảng khác nhau gây ra những phản ứng trái ngược của nhà lãnh đạo Đức, những quyết định của bà Merkel được coi là phù hợp. Đối với bài toán nợ công của Hy Lạp, "bà đầm thép" khăng khăng rằng, Châu Âu phải tuân theo các quy tắc quốc tế và các nước hy vọng, sự lãnh đạo của Berlin sẽ giúp mang lại một giải pháp tốt hơn cho Châu Âu. Trong bài toán di cư lần này, Đức bất ngờ bỏ qua quy tắc tị nạn của Liên minh Châu Âu (EU), mở rộng cửa đón người tị nạn "trung chuyển" từ các nước thuộc liên minh 28 quốc gia này, nhằm giảm bớt tình trạng khẩn cấp.
Tất nhiên, bà Merkel không thể làm hài lòng tất cả với cách tiếp cận của mình cho hai cuộc khủng hoảng. Một số quốc gia ủng hộ những tuyên bố cứng rắn của bà về điều kiện khó khăn đối với gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp, như các quốc gia vùng Baltic và Slovakia - hiện nay lại đang ở phía bên kia của cuộc tranh luận về việc có nên chào đón những người tị nạn đến Châu Âu hay không.
Nhưng vị chính trị gia 61 tuổi không nản chí. Bà vẫn bền bỉ phổ biến quyết định đề ra ở trong nước và cả ngoài nước trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 10 năm nắm quyền vào tháng 11 tới. Chính thời gian nắm quyền lâu dài như thế này đã giúp bà Merkel thuyết phục người Đức tin rằng, bà có đủ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Vị nữ thủ tướng này cho rằng, Đức và các thành viên EU đều có chung một nhiệm vụ giúp người chạy trốn chiến tranh.
Tuy nhiên, người ta lại một lần nữa bất ngờ khi Thủ tướng Đức quyết định kiểm soát chặt chẽ biên giới để hạn chế dòng người tị nạn đã quá tải, và đảm bảo an ninh quốc gia. Quyết định này khiến giới phân tích nhận định, bất kỳ tiêu chuẩn nào trong chính sách của bà Merkel luôn mang nặng chủ nghĩa thực dụng, chứ không phải là tình cảm thuần túy hoặc mang tính tầm nhìn chiến lược. Và người ta cho rằng, cuộc khủng hoảng giúp "điều chỉnh" hình ảnh của bà Merkel, nhưng phong cách của bà thì không thay đổi và hình ảnh nước Đức cũng vậy.
Thanh Văn