Lợi bất cập hại

Thứ bảy, 24/10/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Sự hỗn loạn trong dòng người di cư trên các hòn đảo ở Hy Lạp có thể chậm lại nếu Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nỗ lực bắt tay thực hiện hiệu quả kế hoạch “giữ chân họ”.

Đó là thỏa thuận, vốn được đưa ra trong nhiều tháng qua, trong đó kêu gọi Ủy ban Châu Âu (EC) cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ EUR để đẩy mạnh tuần tra bảo vệ bờ biển, bắt giữ những kẻ buôn lậu và xây dựng 6 trung tâm tiếp nhận bổ sung dọc biên giới phía nam với Syria. Đổi lại, EU phải miễn du lịch thực cho 75 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ và mở lại các cuộc đàm phán gia nhập EU đang bị đình trệ.

Trong khi thỏa thuận này phớt lờ những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng, đây lại là chiến thắng chính trị cho các bên liên quan. Các nhà lãnh đạo Châu Âu có thể chứng minh cho các cử tri thấy rằng, họ đang lâm vào tình cảnh khốn khó. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đạt đòn bẩy chính trị quan trọng khi nước này chuẩn bị cuộc bầu cử quan trọng vào ngày 1-11 tới.

Nhưng thỏa thuận này được cho là không có lợi cho những người tị nạn. Dự thảo kế hoạch rõ ràng có ý định giữ không cho người tị nạn xâm nhập vào Châu Âu, nhưng mơ hồ về cách sẽ thúc đẩy các quyền của người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch cũng không đưa ra cam kết thực sự trong việc mở các kênh an toàn mới cho việc tái định cư hợp pháp ở Châu Âu.

Kế hoạch, hiện chưa được hoàn thiện, kêu gọi Châu Âu hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa cho Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia hiện có hơn 2,2 triệu người tị nạn, chủ yếu là người Syria. Nó cũng kêu gọi Ankara cập nhật hệ thống tị nạn và cung cấp cho người tị nạn nhiều cơ hội để làm việc và đi học. Đó là những mục tiêu xứng đáng và đáng khen ngợi. Nhưng việc thực hiện chắc chắn sẽ rất khó khăn và có thể tốn kém nhiều hơn so với đề xuất trên giấy. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có nhiều người tị nạn đang sinh sống nhất trên thế giới. Nếu Ankara thực hiện cam kết này, con số 3 tỷ EUR mà EU hứa sẽ cung cấp là quá ít.

Và với trọng tâm của kế hoạch là bảo vệ biên giới Châu Âu, quyền tị nạn có thể bị mất đi. Tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận một vài trường hợp người tị nạn bị trả về cho Iraq và Syria sau khi bị đội biên phòng chặn lại. Những người khác bị giam giữ mà không có quyền gặp luật sư. Rõ ràng, người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với những hạn chế khắc nghiệt. Chỉ có khoảng 15% sống trong các trại tị nạn, trong khi phần còn lại phải tìm nhà ở riêng. Hơn 70% trẻ em tị nạn không được đi học. Tiếp cận chăm sóc y tế còn hạn chế. Điều này chủ yếu là do luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ, vốn khá khác biệt so với Châu Âu.

Chưa kể dòng người tị nạn đang khốn khổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc hơn 3.100 người tị nạn bị chết đuối trong năm nay khi cố gắng đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ và hàng ngàn người khác thiệt mạng trong nỗ lực đến Italia, cũng là vấn đề đang gây đau đầu cho các nhà chức trách. Đó là hệ quả nhức nhối mà các nước Châu Âu và các nước liên quan vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời.

Thanh Văn