Lời cảnh báo từ Marawi

Thứ ba, 25/07/2017 11:10

Hai tháng sau khi các phiến quân Hồi giáo tấn công vào Marawi, một trong những thành phố miền Nam lớn nhất của Philippines, chiến sự tại đây vẫn tiếp diễn và Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố, ông cần 1 năm nữa để chấm dứt cuộc chiến này.

Binh sĩ Philippines trong cuộc chiến chống nhóm nổi dậy Maute tại Marawi hôm 1-7.        Ảnh: Reuters.

"Chờ đợi 1 năm"

Các lãnh đạo quân sự hàng đầu cho rằng, Philippines đánh giá thấp kẻ thù và đang đấu tranh để đẩy lùi các tay súng ủng hộ IS có tổ chức, những kẻ tràn vào Marawi hôm 23-5 và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực trong thành phố, dù liên tục bị hàng trăm binh sĩ tấn công và hứng chịu bom, đạn pháo hàng ngày.

Hôm 22-7, các nghị sĩ thông qua đề nghị của Tổng thống Duterte về việc gia hạn tình trạng thiết quân luật đến cuối năm trên đảo Mindanao giúp tăng thêm quyền lực cho các lực lượng an ninh để truy kích các phần tử cực đoan vượt xa khỏi khu vực Marawi, nhưng vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo Philippines có kế hoạch xử lý những đối tượng này như thế nào sau khi giành lại thành phố này. Hiện, có khoảng 70 chiến binh vẫn ẩn náu trong thành phố từng là trung tâm thương mại hưng thịnh, cùng với nhiều con tin dân sự.

Hơn 500 người đã thiệt mạng, trong đó có 45 thường dân và 105 binh sĩ chính phủ. Sau nhiều lần "lỡ hẹn" kế hoạch giành lại thành phố, quân đội cho biết, họ không thể mạnh tay vì các con tin. Ông Duterte đã yêu cầu quân đội hành động thận trọng nhằm tránh số thương vong dân sự nhiều hơn. "Điều quan trọng là chúng ta không muốn giết người. Nếu phải chờ đợi một năm, chúng ta hãy đợi một năm", ông Duterte cho biết hôm 21-7.

Cần chiến lược mới

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana hôm 22-7 cho biết, chính phủ sẽ tăng cường giám sát trong khu vực, mở rộng mạng lưới để phát hiện các căn cứ của quân nổi dậy và các phong trào của phiến quân. "Chúng ta cần trang thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị truyền thông công nghệ cao có thể theo dõi điện thoại di động của kẻ thù. Chúng ta cũng cần cả máy bay không người lái", ông Lorenzana phát biểu trước Quốc hội.

Theo các chuyên gia an ninh, chính phủ Philippines cần một cuộc cải tổ mang tính chiến lược vì đã không hành động sau khi nhận được những cảnh báo về hệ tư tưởng cực đoan đang "bén rễ" tại Mindanao và thu hút các chiến binh nước ngoài không thể gia nhập IS tại Syria và Iraq. " Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều... Chúng ta phải theo đuổi một số mô hình. Chúng ta phải chống lại sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố không chỉ bằng cách sử dụng thông tin tình báo, mà còn phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ", nhà phân tích và tình báo cảnh sát Rodolfo Mendoza nhận định.

Trong nhiều thập niên qua, khu vực phía nam Philippines chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy và cướp bóc. Tuy nhiên, cường độ của cuộc chiến ở Marawi và sự có mặt của các phần tử phiến quân nước ngoài chiến đấu bên cạnh các phiến quân địa phương làm dấy lên mối lo ngại, khu vực này có thể trở thành sào huyệt mới của IS tại Đông Nam Á sau khi tổ chức Hồi giáo cực đoan này để mất đất ở Iraq và Syria. Phiến quân ở những nước láng giềng Malaysia và Indonesia đều đang chiến đấu tại Marawi.

Cuộc tấn công Marawi được lên kế hoạch và thực hiện bởi nhóm nổi dậy tương đối mới, Dawla Islamiya, hay còn gọi là Maute, với mong muốn được công nhận là nhánh IS của khu vực. Dưới sự dẫn dắt của hai anh em Abdullah và Omarkhayam Maute, nhóm cực đoan này muốn thành lập một tỉnh Hồi giáo ở Lanao del Sur. 2 tên này liên kết với Isnilon Hapilon, thủ lĩnh của nhóm Abu Sayyaf tại Mindanao.

Cuộc chiến Marawi được công bố rộng rãi thông qua các mạng lưới phiến quân và các chuyên gia cho rằng, điều này có thể thu hút nhiều tay súng chiến đấu đến khu vực. Theo Viện Nghiên cứu Phân tích Chính sách về Xung đột, cuộc chiến Marawi đã "nâng cao uy tín của các tay súng chiến đấu Philippines trong con mắt của đầu não IS".

Theo Giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học De la Salle tại Manila, ông Richard Javad Heydarian, quân đội Philippines đang tìm cách vô hiệu hóa phiến quân Maute để có thời gian ngăn cản hoạt động tuyển mộ và tái tổ chức của phiến quân. Chính phủ Philippines cần thuyết phục các nhóm ly khai ôn hòa ở Mindanao tham gia chống những thông điệp cực đoan, trong khi quân đội nên phối hợp với Mỹ và Australia để được tư vấn về hoạt động và cung cấp máy bay giám sát.

AN BÌNH (Theo Reuters)

Tổng thống Philippines tuyên bố tiếp tục cuộc chiến chống ma túy

Ngày 24-7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố tiếp tục cuộc chiến gây tranh cãi chống nạn ma túy, đồng thời khẳng định sự chỉ trích hay sức ép quốc tế cũng sẽ không thể ngăn cản được ông thực hiện chiến dịch này.

Trong thông điệp quốc gia thường niên, Tổng thống Duterte nhấn mạnh, giới chỉ trích ông ở trong và ngoài nước nên tập trung vào việc sử dụng ảnh hưởng của mình để giáo dục những người dân Philippines bị nghiện ma túy. Bên cạnh đó, ông khẳng định: "Cuộc chiến chống nạn ma túy sẽ tiếp tục diễn ra".