Lợi ích thiết thực của việc thay thế đèn LED tại các điểm chiếu sáng công cộng tại TP Đà Nẵng
Thực trạng tiêu thụ điện năng Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Theo nghiên cứu Chương trình năng lượng đô thị bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB), Đà Nẵng là trung tâm đô thị lớn nhất tại miền Trung Việt Nam, là nơi tập trung một số ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn như: Du lịch, dệt, nhuộm, may mặc, giấy, chế biến thực phẩm và xây dựng, trong đó ngành chế biến thực phẩm chiếm khoảng 20% trong tổng thể ngành công nghiệp.
Do đó, mức độ tiêu thụ năng lượng điện cũng tăng cao. Điển hình, năm 2010 thành phố sử dụng khoảng 14,8 TJ (Têrajun), trong đó 73% là sản phẩm từ dầu như dầu hỏa, dầu nhiên liệu FO, khí hóa lỏng LPG, xăng và dầu diesel DO (trong đó chủ yếu sử dụng trong ngành giao thông vận tải 77% và sản xuất công nghiệp 14%), còn lại 27% dưới dạng điện năng nhập vào TP qua mạng lưới truyền tải điện cao thế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Hơn một nửa (53%) trong tổng năng lượng của Đà Nẵng dành cho ngành giao thông vận tải, ngành sản xuất công nghiệp sử dụng khoảng 1/4, khu vực dân cư tiêu thụ 16%, năng lượng sử dụng trong lĩnh vực thương mại là 4% và các dịch vụ công tiêu thụ thấp nhất 2% (như khu hành chính công).
Cầu Rồng ... |
Hiện tại, Đà Nẵng có mức tiêu thụ năng lượng tương đối cao, khoảng 1.412 kWh/đầu người. Đây là mức cao so với các thành phố khác trên thế giới. Đà Nẵng không có nhà máy phát điện hay các nguồn phát năng lượng tái tạo lớn, vì vậy 100% năng lượng cung cấp cho thành phố là nhập từ bên ngoài vào.
Về tình hình tiêu thụ điện, theo số liệu thống kê của Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng thì trong năm 2008, toàn thành phố tiêu thụ 997.166.485kWh (tăng 9,96% so với năm 2007) nhưng đến năm 2009 thì số liệu tiêu thụ là 1.153.607.918kWh (tăng 15,69% so với năm 2008); năm 2010, sản lượng điện tăng 14% (trong đó khối khách sạn, tòa nhà tăng 25%), năm 2011 tốc độ tăng trưởng trung bình là 15% so với năm 2010, năm 2012, sản lượng 1.640.770kWh và năm 2013 sản lượng điện 1.857.760 kWh. Mức tăng bình quân hàng năm vào khoảng 20%.
Trong đó, khu vực công nghiệp và khu vực dân cư có tỷ lệ tiêu thụ điện cao nhất. Khu vực thương mại chỉ chiếm một phần khá nhỏ trong tổng điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, khu vực thương mại lại có tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện năng cao nhất từ năm 2007 đến 2013, tăng 64%.
Nhu cầu điện sản xuất của ngành công nghiệp vẫn giữ tốc độ gia tăng 41% trong cùng giai đoạn, trong khi tăng trưởng điện của khu vực sinh hoạt chỉ ở mức 39%. Việc nhu cầu điện sử dụng tăng nhanh trong ngành thương mại hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của TP Đà Nẵng từ một nền kinh tế dựa vào các ngành xây dựng và công nghiệp sang nền kinh tế định hướng dịch vụ, du lịch.
Cũng theo Điện lực Đà Nẵng, trong những năm gần đây doanh số điện lực tăng liên tục. Cụ thể năm 2011 là 1.831 tỷ đồng, năm 2012 là 2.361 tỷ đồng tăng gần 30%, năm 2013 đạt 2.889 tỷ đồng, tăng 23%. Điều này, chứng tỏ chi phí sử dụng điện của Đà Nẵng tăng đều qua các năm...
... và cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) sử dụng hệ thống đèn LED chiếu sáng (ảnh Internet). |
Cần thay thế đèn LED tại các điểm công cộng
Đứng trước tình hình tiêu thụ năng lượng của thành phố ngày một tăng cao trong tất cả các ngành, đặc biệt là ngành giao thông vận tải, chiếu sáng công cộng. Việc xây dựng chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ cho thành phố Đà Nẵng là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển của thành phố. Với mức giá không quá cao, có tính năng vượt trội về khả năng tiết kiệm điện, khả năng phát quang, tuổi thọ cao lại cao cùng sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng.
Đặc biệt, nếu sử dụng đèn LED để thay thế cho đèn sợi đốt sẽ tiết kiệm được trên 88% điện năng tiêu thụ, thay thế cho đèn huỳnh quang tuýp sẽ tiết kiệm được trên 44% điện năng. Trước ưu điểm tiết kiệm điện vượt trội và trước tiềm năng lo lớn của thị trường chiếu sáng ở Việt Nam, công nghệ LED đang được quan tâm nghiên cứu và thúc đẩy sử dụng rộng rãi.
Theo ông Teakdong Kwon, Giám đốc điều hành Cty Future Lighting Đà Nẵng hiện tại có gần 40.000 đèn chiếu sáng công cộng với tổng giá trị khoảng 11,9 triệu USD, phí bảo dưỡng bóng đèn là 457 ngàn USD/năm, trong đó đa số sử dụng thiết bị chiếu sáng thông thường và tiêu tốn khá nhiều năng lượng.
Nếu Đà Nẵng thực hiện thay thế các thiết bị chiếu sáng công cộng bằng đèn LED ngoài những tiện ích về cảnh quan đô thị, vừa thân thiện với môi trường do không chứa thủy ngân và không phát khí thải, độ bền cao hơn thì tiết kiệm chi phí năng lượng tiết kiệm khoản điện năng khá lớn cho thành phố khoảng 905 ngàn USD/năm... Đối với các doanh nghiệp, cá nhân cũng cần sớm thay thế hoặc sử dụng đèn LED để bảo vệ môi trường và tiết kiệm điện năng...
Xuân Đương