Lời nói đoàn kết từ ASEAN

Thứ hai, 12/05/2014 12:06

(Cadn.com.vn) - Các nước ASEAN đã chứng tỏ sức mạnh đoàn kết trước sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.

Thắng lợi đoàn kết ngoại giao quan trọng ban đầu được chứng tỏ qua Tuyên bố chung 4 điểm tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) hôm 10-5 khi lần đầu tiên kể từ năm 1995, AMM ra tuyên bố cụ thể về một vấn đề nóng bỏng như thế này.

Sau thành công ngoại giao này, các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 11-5, sự kiện mà Tổng thống Myanmar Thein Sein mô tả là biểu tượng của “sự đoàn kết và cống hiến để xây dựng tương lai tốt hơn cho khu vực và nhân dân”.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã chứng tỏ sự đoàn kết quan trọng trong Tuyên bố chung
về vấn đề biển Đông. Ảnh: EFE

TỪ CỘNG ĐỒNG CHUNG ASEAN...

“Sự kiện này phản ánh tầm quan trọng của những nỗ lực tập thể và phối hợp thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng kinh tế của khu vực và hạnh phúc của người dân chúng tôi”, Tổng thống nước chủ tịch ASEAN năm 2014 cho biết trong bài phát biểu khai mạc.

Với chủ đề “Tiến lên phía trước trong cộng đồng hòa bình, thịnh vượng và đoàn kết”, hội nghị năm nay ưu tiên xem xét tiến trình triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và thảo luận cách để vượt qua những thách thức trong quá trình hội nhập này. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tổng thống Thein Sein đề xuất một loạt các ưu tiên thực hiện trong năm 2014. Theo ông, ưu tiên hàng đầu là xúc tiến thực hiện các nhiệm vụ còn tồn đọng trong “Các kế hoạch cho Cộng đồng ASEAN” thông qua việc thực hiện các sáng kiến như thúc đẩy quản lý hiệu quả trong ASEAN, đạt tiến bộ trong Thỏa thuận ASEAN về bảo vệ các quyền của những người lao động di cư và hoàn thành kế hoạch tổng thể thông tin liên lạc ASEAN. “Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng và cần chắc chắn rằng, tất cả các bước cần thiết trong xây dựng cộng đồng được thực hiện một cách kịp thời cho hiện thực Cộng đồng ASEAN”, ông nói thêm.

Ngoài ra, ASEAN cũng cùng nỗ lực chung trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, quản lý thảm họa, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống...

...ĐẾN BIỂN ĐÔNG

Hội nghị Thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang khiến tình hình ở biển Đông căng thẳng khi điều giàn khoan dầu khủng vào vùng biển Việt Nam và có những hành động hung hăng ở đây.

Vì thế không có gì bất ngờ khi vấn đề biển Đông bao trùm hội nghị với “Tuyên bố chung Nay Pyi Taw” bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở khu vực này. Trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo cho rằng, những vụ việc đang diễn ra trên biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở tuyến đường biển quan trọng. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng khẳng định sẽ tăng cường hợp tác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Tuyên bố cũng yêu cầu các bên phải triệt để tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm cả Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), trong đó quy định vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước là 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên hãy kiềm chế, không sử dụng vũ lực đồng thời hướng đến việc sớm ký kết Quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (COC). Tuy nhiên, sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vô lý đáp trả rằng, biển Đông không phải là vấn đề giữa Bắc Kinh và ASEAN. Bà Hoa cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với ASEAN để tiếp tục triển khai thực hiện DOC một cách toàn diện và hiệu quả để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Bắc Kinh và các quốc gia thành viên ASEAN ký DOC năm 2002 và cam kết sẽ kiềm chế và không tiến hành hoạt động phức tạp hoặc leo thang căng thẳng ở biển Đông. Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa muốn ký kết COC, chìa khóa quan trọng mở cánh cửa biển Đông.

Khả Anh