Lời nói và hành động

Thứ tư, 14/05/2014 08:55

(Cadn.com.vn) - Cuộc hội đàm “tiền trạm” được mong chờ giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã kết thúc vào cuối ngày 12-5 mà không có tuyên bố nào được đưa ra.

Động thái này khiến người ta đặt nhiều nghi vấn về khả năng đạt được tiến bộ trong nỗ lực giúp giải tỏa mối quan ngại về chương trình hạt nhân của Tehran; trong khi quốc gia Hồi giáo và nhóm các cường quốc P5+1 tiếp tục nối lại đàm phán vào ngày 13-5 tại Vienna để bàn về giải pháp ngoại giao sâu rộng cho cuộc tranh cãi hạt nhân kéo dài cả thập kỷ qua.

Rõ ràng, khi thời hạn chót 20-7 để đạt được một thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran (thay thế cho thỏa thuận tạm thời hiện có) đang hiện ra lờ mờ, Tehran và các cường quốc đàm phán sẽ nỗ lực rất nhiều để đi đến thành công.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trong khi các cuộc đàm phán về mặt lý thuyết có thể được mở rộng, những nỗ lực của Iran và P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga cùng với Đức) cho một thỏa thuận cuối cùng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là giữa Tehran và Washington.

Mỹ đã tuyên bố“thỏa thuận hạt nhân cuối cùng” phụ thuộc hoàn toàn vào Iran. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, Iran phải nhất trí “hành động có thể thẩm tra” để giải tỏa những quan ngại của Nhà Trắng về chương trình hạt nhân nếu không sẽ không có thỏa thuận cuối cùng. “Tất cả chúng ta có trách nhiệm trao cơ hội thành công cho ngành ngoại giao. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không bị thuyết phục chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể”, bà Rice nói.

Hôm 12-5, LHQ công bố báo cáo cho biết, hoạt động mua sắm phục vụ chương trình hạt nhân và tên lửa bị cấm của Iran đang chậm lại trong vòng 6-9 tháng gần đây. Tuy nhiên, LHQ cũng đặt ra hai hoàn cảnh: đây có thể là kết quả của xu thế chính trị thay đổi dưới thời Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani hoặc có thể do Iran đang vận dụng các cách thức bí mật mới. Vì thế, LHQ muốn tìm hiểu rõ hơn thông qua các cuộc điều tra. Liệu chính quyền ông Rouhani sẽ phản ứng thế nào?

Ông Rouhani đang bị những người có tư tưởng cứng rắn chỉ trích quá nhân nhượng và mềm mỏng trong chính sách về hạt nhân của Iran. Thiết nghĩ, một nhiệm kỳ thành công của Tổng thống Rouhani phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cách thức mà ông chọn để đối phó với làn sóng chỉ trích này và cách đáp lại đề nghị từ LHQ.

Thật sự là một bài toán khó đối với vị chính trị gia mới nổi này.

Thanh Văn