Lối ra cho hàng nông sản Đà Nẵng

Thứ tư, 23/07/2014 08:40

(Cadn.com.vn) - Giải đáp cho bài toán đầu ra cho hàng nông sản trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn là nỗi trăn trở của các hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất.

Chăm sóc vùng chuyên canh rau ở Túy Loan, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang. 

Vẫn thua trên sân nhà

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, TP Đà Nẵng có khoảng 50 HTX, cơ sở sản xuất, cung ứng hàng nông sản với các sản phẩm gồm rau củ quả, nấm các loại, giết mổ gia súc, trứng gia cầm, hoa cây cảnh, nước mắm và một số hàng nông sản khác như tiêu, mè, bắp, dưa, cá... Các HTX, cơ sở sản xuất này tập trung chủ yếu ở H.Hòa Vang, một số ít nằm rải rác ở các quận nội thành.

Một lãnh đạo Cty Hội chợ triển lãm và Quản lý các chợ ở Đà Nẵng thừa nhận, nhu cầu tiêu thụ của các loại hàng nông sản hiện nay trên địa bàn TP khá lớn. Trong đó, mặt hàng trái cây khoảng 200 tấn/ngày, được cung ứng từ khu vực phía Bắc và Nam Bộ; rau hành, lagim khoảng 350-400 tấn/ngày, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc, Đà Lạt, Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam.

Trong khi đó, hàng nông sản của TP Đà Nẵng hiện nay chủ yếu cung ứng tại thị trường Đà Nẵng, song khả năng đáp ứng nhu cầu rất ít, chỉ chiếm từ 5-10% nhu cầu tiêu thụ của TP; trong đó, rau, củ, quả chiếm khoảng từ 3-5% tùy theo mùa, số còn lại là các loại nấm, trứng gà, thịt gia súc, gia cầm...

Cũng qua khảo sát thực tế hiện nay trên thị trường Đà Nẵng của người viết cũng như tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, có thể thấy rằng, về rau, củ, quả, hiện nay có 3 đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP với sản lượng khoảng 2,5 tấn/ngày, trong đó có 2 HTX là HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan và HTX sản xuất rau an toàn La Hường sản lượng khoảng 1,3 tấn/ngày và hiện chỉ đủ cung ứng cho các hộ tiểu thương trực tiếp đến thu mua.

Một doanh nghiệp khác là Cty TNHH Việt Thiên Ngân sản lượng 1,2 tấn/ngày hiện đang cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ ăn uống và đang thông qua Sở Công Thương xúc tiến việc quảng bá tiêu thụ tại các siêu thị trên địa bàn. Một số các sản phẩm như nấm, trứng gà của một vài đơn vị đã được tiêu thụ tại các siêu thị như BigC, Metro, Lotte Mart, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp...

Như vậy, nghịch lý dễ nhận thấy ở đây là, trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Đà Nẵng rất lớn, các HTX, cơ sở kinh doanh có rất nhiều cơ hội phát triển, thế nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác. Nói cách khác, nông sản Đà Nẵng thua ngay trên sân nhà.

Mô hình nuôi tôm tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên, H. Hòa Vang. 

Cần có sự liên kết chặt chẽ

Qua thực tế khi tiếp xúc các HTX, cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn TP Đà Nẵng, người viết đã ghi nhận những ý kiến đề xuất rất sát sườn trong nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho hàng nông sản địa phương.

Chẳng hạn như HTX nấm Kim Thanh, HTX sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông, HTX nấm Như Mai, HTX Xuân Thiều, HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh Nam đều mong muốn TP có định hướng quy hoạch, có chương trình đầu tư phát triển ngành nấm, để từ đó, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đăng ký tham gia, tập trung nguồn lực đầu tư sản xuất, chế biến; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nấm như bột canh nấm bào ngư, nấm tẩm gia vị, nấm rim... nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho loại sản phẩm này.

Điều này cũng đã được Cty TNHH Việt Thiên Ngân, HTX nấm Hòa Tiến, HTX Xuân Thiều, HTX giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông, Cty TNHH Đức Nghĩa... đặt vấn đề là cần có sự hỗ trợ, kêu gọi liên kết giữa các HTX với nhau trong việc cung ứng sản phẩm cho các siêu thị cũng như tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau, tránh manh mún, tự phát như hiện nay; đồng thời làm cầu nối cho các đơn vị giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến các siêu thị, nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Hàng nông sản được giới thiệu rộng rãi tại một hội nghị.

Trong khi đó, nhìn từ góc độ của nhà phân phối, anh Nguyễn Thành Nhân, Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng cho rằng, siêu thị lâu nay vẫn ưu tiên bán hàng Việt, thậm chí đã tham gia nhiều lần đưa hàng Việt về nông thôn. Nếu sản phẩm ở địa phương đảm bảo vấn đề nhãn mác, đạt tiêu chuẩn chất lượng và VSATTP, hàng hóa sản xuất ổn định trong năm sẽ ưu tiên mua hàng ở địa phương để giảm chi phí vận chuyển.

Hiện tại, siêu thị rất cần lượng rau sạch lớn để cung cấp cho người tiêu dùng, do vậy, các cơ sở sản xuất nên đầu tư, xúc tiến sản xuất và có vùng nguyên liệu ổn định. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Siêu thị Intimex Đà Nẵng khẳng định thêm: “Chúng tôi mong muốn đưa mặt hàng có chất lượng vào kinh doanh, đặc biệt là rau sạch, nấm tươi và các đặc sản vùng, miền để phục vụ du khách và người tiêu dùng”.

Bà Trần Thị Thu Thủy, trưởng bộ phận quản lý mặt hàng tươi sống của Siêu thị BigC cho biết, hiện nay, đã có nhiều DN địa phương đưa hàng vào siêu thị bao gồm các mặt hàng mắm ruốc, rau, trái cây, trứng gà, thịt heo, cá... Vấn đề được Big C quan tâm là phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, VSATTP, sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu.

Tại một hội nghị mới diễn ra vào cuối tháng 6-2014 về “Kết nối cung-cầu sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn TP” do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết chủ trì, nhiều đơn vị đã ký kết 7 thỏa thuận hợp tác kết nối giữa Sở Công Thương với các Hiệp hội doanh nghiệp; giữa Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng với HTX nấm Kim Thanh; Cty Intimex Đà Nẵng với Cty Hibiscus (rượu Chăm Chăm); Làng nghề nước mắm Nam Ô với DNTN Phú Gia; HTX chế biến nấm Như Mai với Cty An Khánh...

Tín hiệu này phải chăng đã bắt đầu mở ra một hướng đi mới cho quá trình kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất với đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm đối với mặt hàng nông sản địa phương?

Phương Kiếm