Lời thề của một nghệ nhân người Thái
(Cadn.com.vn) - Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, nhân dân các dân tộc anh em trên đất nước Việt
Duyên dáng trong bộ trang phục Thái, bà Vương Thị Mín-nghệ nhân dệt thổ cẩm cao tuổi nhất tỉnh Lai Châu và cả vùng Tây Bắc, trông trẻ và khỏe mạnh hơn rất nhiều so với tuổi 80: da dẻ hồng hào, sáng đẹp, đôi mắt hiền linh động, cử chỉ hoạt bát, nhanh nhẹn. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái, bà rất vui. Bà bảo: đối với bà bây giờ, nghề dệt thổ cẩm không còn để sinh nhai nữa mà là sự đam mê được dệt gấm hoa của núi rừng Tây Bắc vào từng sản phẩm thổ cẩm của người Thái, nhưng, trên tất thảy là bà muốn giữ vẹn lời thề với Bác Hồ kính yêu. Trước khi kể câu chuyện liên quan đến lời thề với Bác Hồ, bà đưa chúng tôi đến bàn thờ chính nhà trên thắp hương cho Bác, rồi xuống nhà dưới, nơi để những khung dệt, thắp hương lần nữa trước di ảnh Bác đặt trên trang thờ...
![]() |
Nghệ nhân Vương Thị Mín dạy nghề cho học trò người Mông. |
Sinh ra ở Phong Thổ (Lai Châu), 13 tuổi, cô gái Thái Vương Thị Mín đã thành thạo xe tơ, dệt vải. “Nghề dệt thổ cẩm đến với tôi như một lẽ tự nhiên. Như bao cô gái Thái khác, từ khi vừa lớn đã suốt ngày loay hoay bên khung cửi mà chẳng bao giờ thấy mỏi mệt. Mê nhất là khi hoàn thành xong tấm vải sặc sỡ, hoa gấm nở tung sắc màu bên khung cửi”. Cha mẹ bà ngày ấy rất hãnh diện về đứa con gái khéo léo, chăm chỉ, sau này gả về nhà chồng không phải lo gì cả...
Nhưng niềm hạnh phúc giản dị, bình thường ấy của gia đình bà cũng không kéo dài được bao lâu khi giặc Pháp càn quét bản làng. 14 tuổi, bà phải cùng cha mẹ rời bản lánh nạn. Năm 1954, bà thoát ly gia đình tham gia cách mạng và được tổ chức phân công bán thuốc tân dược phục vụ đồng bào vùng cao. 5 năm sau, do có thành tích trong công tác, bà được cử đi học ở Trường Thương nghiệp Khu tự trị Thái-Mèo. Thành thạo tiếng Kinh nên bà được chọn làm phiên dịch cho triển lãm ở Trường Thương nghiệp Thuận Châu của Khu tự trị. Chính nơi đây bà đã may mắn được gặp Bác Hồ- người có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống sau này của bà... Bà nhớ lại: hôm ấy, sau khi xem các gian triển lãm, Bác đến gian phòng trưng bày của bà và hỏi:
-Cháu là người dân tộc gì?
-Thưa Bác, cháu là người dân tộc Thái ạ!
- Là người dân tộc Thái sao cháu lại mặc trang phục của người Hoa? (Hồi ấy phụ nữ đi thoát ly rất thịnh mặc trang phục theo lối người Hoa)... Bà ngớ người, lúng túng không biết trả lời sao thì Bác từ tốn nói: “Là người Thái, cháu nên mặc trang phục của dân tộc mình, cháu nhé. Trang phục của dân tộc mình đẹp lắm cháu à!”. Rồi Bác cười, khen gian phòng trưng bày của bà ngăn nắp, đẹp đẽ rồi đi qua gian hàng khác. Từ lúc Bác đến và đi, bà chỉ nói được đúng một câu. Về ngẫm nghĩ bà mới thấm thía lời Bác dạy thật chí tình, chí lý. Từ đó, ở mọi lúc mọi nơi bà đều mặc trang phục của dân tộc mình...
Ngày 3-9-1969, nghe tin Đài Truyền thanh H. Phong Thổ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt
Thời gian dần trôi qua nhưng trong lòng bà Mín luôn đau đáu nỗi niềm về nghề dệt thổ cẩm của người Thái vùng Tây Bắc một thời. Biết Hội Phụ nữ H. Phong Thổ trước đây được phân 7 cỗ máy dệt, bà tìm đến nhưng tất cả chỉ còn trơ lại đống sắt vụn vì không còn ai biết dệt vải. Bà trở về tìm học nghề cơ khí sửa các cỗ máy dệt. Khi thử thấy máy chạy tốt, bà đến từng gia đình vận động thành lập chi hội dệt thổ cẩm. Khó khăn nhất là kinh phí hoạt động, nhiều lúc tưởng như phải từ bỏ tâm huyết của mình, nhưng không ngã lòng, bà vẫn giữ vững quyết tâm khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống.
Bà đặc biệt quan tâm đến việc dạy nghề cho lớp trẻ và cho đồng bào các dân tộc khác. Bà nhận dạy nghề không lấy tiền công cho rất nhiều người dân tộc Mông, Nùng, La Hủ, Dao... ngay tại nhà, nuôi ăn cơm, khi họ thành thạo việc thì được nhận tiền lương theo sản phẩm mình làm ra. Trong những năm qua bà đã đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho gần 100 người các dân tộc khác nhau tại địa phương, giúp họ trở về lập nghiệp tại làng bản của mình. Trong đó có người đưa nghề dệt thổ cẩm về tận Thủ đô Hà Nội, thành lập xưởng sản xuất riêng, sau đó trở về giúp HTX của bà tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mặt hàng của HTX được khách thủ đô và khách nước ngoài ưa chuộng như khăn piêu, áo cóm, túi thổ cẩm, đặc biệt là mặt hàng chăn, ga, gối nệm dệt bằng vải thổ cẩm...
Với quyết tâm thực hiện lời thề trước vong linh Bác Hồ, bà Vương Thị Mín đã dành hết tâm lực đời mình để giữ gìn nghề dệt truyền thống của cha ông, tiếp tục nâng lên thành vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái.
Ghi chép: Hoài Hương